Bổ sung nguyên tắc “đảm bảo an ninh lương thực”
Tham gia ý kiến tại tổ thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh dẫn chứng: Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ quan điểm chỉ đạo về đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất là: “Quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hóa, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia”.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Luật Đất đai (sau sửa đổi) cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành, lĩnh vực; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thể hiện thông tin đến từng thửa đất. Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật Đất đai cần hoàn thiện nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 60 của dự thảo, cần xem xét bổ sung nguyên tắc “bảo đảm an ninh lương thực”. Cụ thể là bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Lý do là thời gian qua việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tồn tại một số bất cập, phá vỡ tính tổng thể trong quy hoạch nên rất cần quy định rõ nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch tại Điều 60.
Bổ sung thêm ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, Luật Đất đai năm 2013 quy định về việc xử lý quy hoạch sử dụng “đất treo” tại Điều 46. Dẫu vậy, để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn thi hành, mà các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai nhưng chưa đề cập cụ thể, trực diện đến việc xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện không đúng quy định tại Điều 46.
Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại Điều 73. Trong đó, cần bổ sung quy định về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định Điều 73 (dự thảo Luật).
Tạo điều kiện cho thị trường bất động sản
Mở đầu tham luận đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) đề xuất cần tạo điều kiện tốt hơn cho thị trường bất động sản, hiện Điều 46 (dự thảo Luật) quy định: “Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất”.
Đại biểu Hà Đức Minh cho rằng: Không nên đặt ra yêu cầu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản trên đất là điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng tại các dự án nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Lý do là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thực tế phải tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ và thường là quá trình khá dài, để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản cần quy định chủ đầu tư hoặc người sử dụng đất đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính thì được chuyển nhượng.
Dự thảo Khoản 3, Điều 47 quy định: “Người mua tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải bảo đảm các điều kiện sau đây: (a) Có năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư…”. Theo đại biểu Hà Đức Minh: Không đặt điều kiện về “năng lực tài chính”, ngành nghề kinh doanh với người mua tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Lý do là việc hạn chế người mua là cá nhân trong khi bên bán có thể là pháp nhân hoặc cá nhân là điều bất cập.
Cũng trong tham luận, góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hà Đức Minh còn có ý kiến chi tiết đối với Điều 79 về “Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; điểm b, Khoản 2, Điều 120 về “Cho thuê đất”; Điều 125 về “Giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất” và Điều 127 về “Sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”.