Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đại biểu Hà Đức Minh đã có bài phát biểu trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng về thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh: Đề nghị Chính phủ tăng hạn mức chi từ quỹ BHYT hỗ trợ đối với y tế cơ sở
Theo đại biểu Hà Đức Minh, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nghị quyết của Quốc hội, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình triển khai trên thực tế đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả, mục tiêu của chương trình.
Đại biểu dẫn chứng: Thủ Tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn tại Quyết định 652/QĐ-TTg và Quyết định 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 về dự toán ngân sách Trung ương năm 2022. Nhưng đối với nguồn vốn sự nghiệp, mới được giao năm 2022, 2023 mà chưa giao cả giai đoạn 2021 - 2025 khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc xây dựng danh mục sử dụng vốn sự nghiệp, nhất là các dự án có thời gian thực hiện trong nhiều năm.
Bộ Tài chính quyết định giao dự toán bổ sung có mục tiêu vốn sự nghiệp cho các địa phương phân bổ cho từng dự án, từng lĩnh vực chi nhưng khi triển khai có nhiều nội dung chưa phù hợp, nhiều lĩnh vực thừa kinh phí, nhiều lĩnh vực có khả năng chi nhưng thiếu kinh phí.
Ở một nhiệm vụ cụ thể khác, đại biểu Hà Đức Minh dẫn chứng: Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ và hệ thống thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành, nhiều nội dung chưa rõ ràng nên khó khăn cho địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.
Lùi thời hạn điều chỉnh dự toán các chương trình MTQG
Tại Khoản 3, Điều 53, Luật Ngân sách nhà nước về thời hạn điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách có quy định: Hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành. Trên thực tế, để giải ngân hết vốn kế hoạch, việc xác định được cụ thể khối lượng chính thức hoàn thành trong năm, điều chỉnh kế hoạch vốn, dự toán kinh phí giữa các dự án, các hoạt động cho phù hợp thì phải đến thời điểm tháng 12.
Từ những nội dung trên, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định: “Riêng đối với thời hạn điều chỉnh dự toán thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các cấp địa phương, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm hiện hành”.
Giao vốn sự nghiệp chương trình MTQG cho các địa phương
Theo đại biểu Hà Đức Minh, để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chủ trương giao vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình cả giai đoạn 2021 - 2025 (như đầu tư công) cho địa phương để các tỉnh chủ động trong công tác lập và triển khai thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị việc giao vốn sự nghiệp hằng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần giao tổng kinh phí từng dự án thành phần, không giao chi tiết đến lĩnh vực chi để các địa phương được chủ động phân bổ, phù hợp thực tế từng địa phương.
Với nguồn vốn sự nghiệp không có khả năng thực hiện giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất giai đoạn 2026 - 2030, đại biểu đề nghị thực hiện theo hướng: Không hỗ trợ vốn trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, mà có cơ chế sử dụng ủy thác thông qua ngân hàng chính sách xã hội, cho vay lãi suất ưu đãi.
Đề cập tới tình hình triển khai vốn chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư công khác đang có tiến độ chậm, đại biểu Hà Đức Minh cho rằng, nguyên nhân chính là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Do đó cần nghiên cứu quy định tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, không chỉ đối với các dự án trọng điểm quốc gia.
Xây dựng chính sách cho các xã, huyện, tỉnh đặc thù
Đại biểu Hà Đức Minh thông tin, thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với các xã khu vực 3, khu vực 2 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều trở thành xã khu vực 1 và thôi hưởng các chính sách hỗ trợ, dẫn đến đời sống của người dân và cán bộ, công chức, viên chức, học sinh trên địa bàn các xã này gặp rất nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đại biểu Hà Đức Minh thông tin thêm, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cá nhân đại biểu và nhiều đại biểu khác đã nêu kiến nghị, đề xuất về vấn đề này nhưng đến nay chưa được giải quyết.
Bởi vậy, đại biểu tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các xã thuộc các huyện, tỉnh có yếu tố đặc thù về biên giới, vùng đặc biệt khó khăn hoặc các xã thuộc huyện nghèo ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định 861. Hoặc tiếp tục để các xã này được hưởng các chế độ, chính sách đã ban hành để đảm bảo các địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.