Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham luận tại nghị trường vào chiều 29/5, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã đề cập tới 2 nội dung này.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, nội dung Chuyên đề giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội là rất cần thiết. Từ kết quả giám sát này, Chính phủ sẽ có đánh giá toàn diện hơn những bất cập khi dịch bệnh xảy ra và những phát sinh đối với hoạt động y tế cơ sở, y tế dự phòng để có những chính sách tích cực, phù hợp hơn trong nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Qua nghiên cứu báo cáo giám sát của Quốc hội và thực hiện giám sát tại địa phương cho thấy bất cập nổi bật là: Số lượng nhân viên y tế cơ sở chưa được bố trí đủ theo định mức biên chế quy định nhưng hằng năm vẫn phải thực hiện tinh giảm 10% số lượng biên chế hiện có. Bên cạnh đó, tình trạng bác sỹ xin nghỉ việc gia tăng, nhất là sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19. Theo báo cáo số lượng bác sỹ tại các trạm y tế xã đã giảm 2.238 người, riêng năm 2020, số bác sỹ giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019); tỷ lệ thôn, bản có nhân viên y tế giảm còn 71% so với năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh: Chính sách với đồng bào nên “cho vay” chứ không “cho không”
Ngoài nguyên nhân như Báo cáo giám sát của Quốc hội đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, điều cần kíp là sự thay đổi chính sách thu hút nhân lực làm việc đối với tuyến y tế cơ sở. Lý do là hiện nay chính sách chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực giữ chân và tạo sức hút để đội ngũ bác sỹ trẻ, có trình độ và năng lực làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Những bất cập trên tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó có khả năng được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng, nguy cơ suy dinh dưỡng ở trẻ em khu vực này tiếp tục tăng.
Trước thực trạng trên, có địa phương đã chủ động ban hành chính sách thu hút bác sỹ về công tác tại tuyến y tế cơ sở nhưng nguồn lực hạn chế, tình trạng đội ngũ y, bác sỹ xin chuyển vùng vẫn khá nóng bỏng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho rằng, chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại Nghị định 141/2020 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số cũng có những điểm chưa hợp lý. Ví dụ như quy định người thuộc đối tượng cử tuyển phải có hộ khẩu 5 năm liên tục tại các xã đặc biệt khó khăn, có nghĩa là với xã đạt chuẩn nông thôn mới không thuộc đối tượng này, trong khi tiêu chuẩn đầu vào ngành y đang rất cao, học sinh miền núi, vùng khó khăn khó đáp ứng. Không có học sinh diện cử tuyển khiến nhiều địa phương thiếu hụt nhân lực y tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn bó, công tác lâu dài ở với vùng khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh kiến nghị: Trước tình hình trên, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, đổi mới chính sách và phương thức đào tạo ngành y tế, điều chỉnh tiêu chuẩn, tiêu chí đối tượng diện học sinh, sinh viên cử tuyển, nhất là học sinh xã vùng cao, miền núi đã "về đích" nông thôn mới cũng được hưởng chính sách này.
Đại biểu Quốc hội Lào Cai đóng góp vào Dự án Luật Công an nhân dân
Đề nghị Chính phủ nâng chế độ phụ cấp trực cho nhân viên y tế quy định tại Quyết định số 73 ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chế độ phụ cấp trực tại các tuyến rất thấp, đặc biệt trạm y tế xã (mức hiện hưởng là 18.750 đồng ngày thường; 40.000 đồng ngày thứ 7, Chủ nhật); tăng phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, bản từ mức 0,5 mức lương cơ sở (theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009) lên mức 1,0 mức lương cơ sở/người/tháng.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng đề nghị có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở có thời gian công tác quá 5 năm tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa được chuyển vùng hoặc không có nguyện vọng chuyển vùng, để đội ngũ y tế cơ sở yên tâm công tác lâu dài tại các địa phương (Nghị định số 76 ngày 8/10/2019 của Chính phủ).
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho rằng, định mức chi cho mỗi lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở còn thấp, trong khi nhu cầu của người ngày càng cao và yêu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn, dẫn đến mất cân đối thu - chi, nhất là trong giai đoạn cơ sở y tế từng bước tự chủ tài chính. Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét nâng hạn mức đóng bảo hiểm y tế, từ đó tăng hạn mức chi từ quỹ bảo hiểm y tế, để các cơ sở y tế có nguồn lực thực hiện được việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh.