Tham gia ý kiến tại Tổ thảo luận số 5 (gồm đại biểu các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Vĩnh Long), đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đã đề cập tới các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng chí Sùng A Lềnh nhấn mạnh đến những khó khăn trong giải ngân, nhất là vốn sự nghiệp. Đại biểu đề nghị giao vốn sự nghiệp cho các địa phương nghiên cứu, lựa chọn và thực hiện hỗ trợ các mô hình sinh kế, sản xuất với phương châm phù hợp với từng địa phương, phát huy hiệu quả cao nhất.
Đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị xem xét, có cơ chế chuyển một phần nguồn vốn sự nghiệp sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho người dân vay với lãi suất ưu đãi, tạo nguồn lực thực hiện các mô hình sản xuất, nhất là với hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện việc hỗ trợ đang dành phần lớn cho việc cấp phát, cho không (còn thì dùng, mất, hỏng cũng không sao) nên người dân có tính chờ đợi, ỷ lại. Cần thay đổi theo hướng “cho vay” chứ không “cho không”, như thế người dân mới tư duy, chủ động, sáng tạo, phát huy hiệu quả nguồn lực.
Với tiêu chí thu nhập trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng có quy định, cách tính thu nhập bình quân chưa phù hợp, đang tính theo cách như doanh thu của doanh nghiệp; ngoài ra vẫn tính cơ học theo kiểu quy đổi tài sản không tạo ra giá trị gia tăng như xe máy, xe đạp, ti vi, tủ lạnh... thành giá trị bằng tiền.
Cần xem xét, cân nhắc để có hình thức giao về đích nông thôn mới phù hợp với tình hình, không nên giao khoán chỉ tiêu, kế hoạch hoàn thành nông thôn mới theo năm, giai đoạn ngắn. Cách làm như vậy sẽ dẫn tới hiện tượng chạy theo thành tích, ép chỉ tiêu, nợ tiêu chí, tiêu chí non, thiếu bền vững, địa phương hoàn thành nông thôn mới mà nhiều hộ dân vẫn nghèo.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng đối với chính sách dành riêng cho dân tộc rất ít người thì dù họ có sống ở đâu, địa bàn nào cũng cần được hưởng chính sách, không nên đặt ra các điều kiện về tỷ lệ % sinh sống ở các thôn, xã; không nên áp dụng chính sách này vào các xã, huyện đã đạt nông thôn mới bởi các hộ dân tộc rất ít người có thể sống không tập trung, nếu tính theo địa giới hành chính, đối tượng khó tiếp cận đầy đủ chính sách.
Cũng trong ngày 25/5, đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã có ý kiến về việc sớm xây dựng hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách mới, quan tâm đối với lực lượng y tế cơ sở thông qua: Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang - thiết bị, thuốc và vật tư y tế; đảm bảo biên chế tương xứng và chế độ phù hợp.
Đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, theo quy định hiện hành thì những xã được công nhận về đích nông thôn mới học sinh dân tộc thiểu số sẽ không còn được hưởng chính sách cử tuyển.
Đặc biệt là 2 ngành y khoa và sư phạm hiện đang có điểm tuyển chọn đầu vào rất cao, học sinh vùng cao có tỷ lệ thi đậu thấp, đây lại là 2 lĩnh vực các tỉnh miền núi đang thiếu trầm trọng về nhân lực, trong đó có tỉnh Lào Cai. Kiến nghị của đại biểu Sùng A Lềnh là Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần xem xét, điều chỉnh khu vực tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh miền núi, vùng cao... Ngoài ra, đại biểu Sùng A Lềnh còn có ý kiến tham luận về lĩnh vực phát triển, bảo tồn văn hóa.