Cán bộ Đồn Biên phòng triển khai mô hình hỗ trợ lợn giống sinh sản và tách con giống cho hộ nghèo khác.
Giúp dân xóa đói giảm nghèo
ÐBP Pha Long quản lý 16,3km đường biên giới, thuộc hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ, với 18 thôn bản, 1.334 hộ/7.399 khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 86%.
Mường Khương là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh Lào Cai với địa hình 80% diện tích đất tự nhiên là đồi, núi. Hạ tầng giao thông ở đây thuộc diện thiếu và kém bậc nhất tỉnh, do địa hình núi cao, khe sâu của vùng thượng nguồn sông Chảy. Tả Ngải Chồ là một trong 5 xã khó khăn nhất của huyện, nằm trong danh sách 10 xã nghèo nhất tỉnh Lào Cai. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 70%.
Thiếu tá Phạm Văn Tường, Chính trị viên phó ĐBP Pha Long cho biết, giúp dân xóa đói giảm nghèo, Đồn đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền hai xã và hỗ trợ trực tiếp người dân phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống, nâng cao dân trí. Bên cạnh đó, Đồn duy trì 1 tổ công tác gồm 9 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 9 chi bộ thôn giáp biên giới và 37 đảng viên phụ trách 136 hộ gia đình.
Sau những giờ thực thi nhiệm vụ, các CBCS của đồn lại đồng hành, giúp đỡ những gia đình nghèo khó vươn lên trong phát triển kinh tế. Đội ngũ đảng viên phân công phụ trách hộ gia đình đã thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”; đề xuất mô hình, cách làm mới hỗ trợ đồng bào biên giới phát triển kinh tế, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với lực lượng BĐBP. Năm 2023, Đồn đã trao 2 con lợn giống giá mỗi con 1 triệu đồng cho 2 hộ nghèo chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Vốn thành thạo tiếng nói của người dân bản địa, Đại úy Giàng Nhà, người dân tộc Mông, cán bộ Đội Vận động quần chúng của Đồn, đã trực tiếp cầm tay chỉ việc, giúp 5 hộ gia đình tại xã Tả Ngải Chồ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái đói, cái nghèo đeo đẳng bao năm nay.
Đại úy Giàng Nhà cho biết: “Địa bàn tôi phụ trách thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Được phân công phụ trách 5 hộ gia đình thôn Thàng Chư Pến, tôi đã chủ động bám nắm địa bàn, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng trọt kém hiệu quả sang chăn nuôi; đã có 2 hộ thoát nghèo rồi. Phải thường xuyên gần gũi, coi việc của bà con như việc nhà mình thì bà con sẽ tin và nghe theo. Nhiều gia đình coi tôi như con cháu trong nhà”.
Ông Hạng Sùng Sáng (thôn Thàng Chư Pến) kể: “Trên này hiếm nước, năm nào nhiều mưa, cấy lúa, trồng ngô mới đủ ăn. Nhà tôi ít đất nên khó khăn nhiều năm nay. Được cán bộ biên phòng tuyên truyền, ngân hàng cho vay 100 triệu đồng, gia đình đã mở rộng chuồng nuôi nhốt xa nhà, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Năm vừa rồi bán lợn được gần 80 triệu nên đã thoát nghèo”.
Hiệu quả từ những mô hình giúp dân
Thượng tá Bùi Anh Tuấn, Đồn trưởng ĐBP Pha Long cho biết, 37 đảng viên của Đồn được phân công phụ trách địa bàn luôn bám sát cơ sở, đến từng gia đình gặp gỡ, lắng nghe trao đổi tâm tư, nguyện vọng của người dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và chỉ huy đơn vị có biện pháp tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các hộ bằng những việc làm cụ thể nhất. Qua đó nhiều hộ đã thay đổi cuộc sống, diện mạo nông thôn, biên giới có nhiều đổi thay rõ nét.
Tại xã Pha Long, CBCS của Đồn đã giúp dân quy hoạch và khai hoang được 165ha ruộng nước; trồng hơn 700ha ngô, đậu tương bằng giống cao sản; trồng mới 30ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chảy. Ðặc biệt, vận động được 50 hộ đồng bào Mông, Nùng, Tu Dí, Pa Dí... lập trang trại sản xuất nông sản sạch, như gạo Séng Cù, lợn đen Mường Khương, gà Ðông Cảo... đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho đồng bào. Ðơn vị huy động toàn bộ lực lượng cùng với dân mở mới 12km đường đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất; đồng thời tổ chức bà con thường xuyên duy tu hơn 80km đường liên thôn, bản; bảo đảm thông suốt trong mùa mưa, giúp cho việc đi lại dễ dàng.
“Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tả Ngải Chồ còn 27,8%, bình quân mỗi năm giảm gần 10% hộ nghèo”, Chủ tịch UBND xã Sùng Seo Sà kể.
Tại xã Pha Long, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự giúp đỡ của BĐBP, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã thứ 5 của huyện Mường Khương về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 80,4% (2011) xuống còn 7,58%…
Ðến thôn Sín Chải, xã Pha Long, Trưởng thôn Giàng Seo Sài dẫn chúng tôi đến thăm cháu Sùng Ðức Phượng bị ngộ độc do ăn phải quả dại trong rừng, được Thiếu tá quân y Vũ Văn Tê của Đồn kịp thời cứu chữa, đã hồi phục sức khỏe. Bà Giàng Thị Sung, mẹ cháu Phượng nắm chặt bàn tay Thiếu tá Tê nói: “Cảm ơn BĐBP nhiều lắm. Mình sẽ bảo chồng làm lễ theo phong tục nhận bộ đội Tê làm bố nuôi con trai mình, BĐBP đồng ý nhé?”.