Dự hội thảo về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp bộ "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là cơ quan chủ trì. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các đại biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu, thảo luận, trao đổi quan điểm liên quan đến phát triển vùng biên giới phía Bắc theo hướng toàn diện, hiệu quả và bền vững.
Tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung vào các chủ đề, như phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp, du lịch vùng biên giới; phát triển con người vùng biên giới về đổi mới sinh kế, giảm nghèo, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống; an ninh môi trường; các vấn đề chính sách, pháp luật phát triển biên giới đất liền khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu làm rõ những cơ hội, thách thức, hướng phát triển để tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách giúp các địa phương, trong đó có Lào Cai phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Giai đoạn tới, Lào Cai sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên, không tạo điểm nóng, không để bị động, bất ngờ; tăng cường các hoạt động đối ngoại để đối ngoại thực sự trở thành nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường…
Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị nhóm nghiên cứu đề xuất với các bộ, ngành Trung ương quan tâm, báo cáo Quốc hội, Chính phủ 4 nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số, phát triển kinh tế cửa khẩu, quản lý, phát triển tài nguyên rừng, nguồn nước và nhóm chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay thế Nghị quyết 973/NQ- UBTVQH15 về nguyên tắc tiêu chí phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để áp dụng cho giai đoạn 2026 - 2030, tăng nguồn lực đầu tư công thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối, kè bảo vệ hạ tầng khu vực biên giới; tiếp tục rà soát đưa 3 khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn vào danh mục các khu kinh tế trọng điểm để đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 và bố trí nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư; chính sách về điều chỉnh tăng định mức hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn 2024 - 2030, mức thu dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện để chi trả thêm cho các chủ rừng và hoạt động bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông; nghiên cứu những nội dung riêng hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, nước sạch, thông tin cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vì đây là những an sinh xã hội chính trong tiêu chí nghèo đa chiều…
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình biên giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp bộ "Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay” khẳng định: Việc nhận diện đúng, đầy đủ, kịp thời thực trạng và hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề đang nổi lên, dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới phía Bắc nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào sự đảm bảo an ninh, chính trị, ổn định và phát triển bền vững của đất nước nói chung. Những ý kiến đóng góp, thảo luận tại hội thảo đã góp phần không nhỏ cung cấp các cơ sở lý luận và thực tiễn, các giải pháp và khuyến nghị chính sách quan trọng, góp phần thực hiện thành công cho chương trình trọng điểm.