Sáng sớm 11/9, ngay sau khi nhận được lệnh từ cấp trên, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 đã hành quân đến Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên), nơi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp toàn bộ 37 hộ, là nơi sinh sống của 158 người dân. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được Quân khu 2 triển khai lực lượng thực hiện chủ trương "3 nhất": phát huy tinh thần tốt nhất, trách nhiệm cao nhất, thể hiện tình quân dân sâu đậm nhất.
Đường vào vùng lũ gặp nhiều khó khăn nên gần trưa cán bộ, chiến sĩ mới hành quân đến điểm tập kết trung tâm Sở chỉ huy tiền phương. Trước giờ xung trận, Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 đã trực tiếp khảo sát hiện trường, động viên tinh thần và giao nhiệm vụ cho bộ đội tập trung vào những khu vực trọng yếu, nơi ngọn lũ càn qua để tìm kiếm.
Chỉ ít phút nghỉ ngơi, các cán bộ, chiến sĩ đã khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ. Hàng dài cán bộ, chiến sĩ rầm rập băng qua tuyến đường ngập trong nước lũ thắp lên tin, trở thành niềm động viên, cổ vũ rất lớn cho đồng bào vùng lũ Làng Nủ đang chìm trong đau thương.
Trong số họ có nhiều người là con em đồng bào các dân tộc Lào Cai, được về giúp đỡ người dân trên quê hương mình, những người lính trẻ càng được tiếp thêm sức mạnh để vượt gian nguy.
Chiến sĩ Đặng Văn Sáo, quê ở Nậm Lúc (Bắc Hà) chia sẻ: Tôi cũng mới được biết ở Nậm Lúc xảy ra sạt lở đất khiến nhiều người thương vong. Hiện vẫn chưa liên lạc được với gia đình nhưng tôi luôn nghĩ, mình giúp đỡ bà con ở đây thì ở đó sẽ có nhiều người giúp đỡ gia đình và người thân của mình. Những ngày đầu tìm kiếm, các cán bộ, chiến sĩ đã gặp phải thử thách lớn khi thời tiết vẫn còn mưa to, phía thượng nguồn tiềm ẩn nguy hiểm khi lũ vẫn chực chờ.
Dưới lớp bùn đặc quánh là bao hiểm nguy từ hố sâu đến vật nhọn, đinh sắc, trong lúc làm nhiệm vụ, chiến sĩ Thào Mí Lình, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 dẫm phải một mũi đinh lớn, xuyên vào lòng bàn chân. Lình không đau mà chỉ tiếc mình chẳng giúp được gì cho bà con nữa, mong đồng đội cố gắng sớm tìm được hết đồng bào còn mất tích. Vất vả, nhọc nhằn là thế nhưng niềm tin luôn ánh trên gương mặt của những người lính trẻ.
Trung tá Nguyễn Ngọc Ba, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 cho biết: Cán bộ, chiến sĩ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tìm kiếm bằng được nạn nhân mất tích. Các lực lượng bám dân, tìm kiếm ở các khu vực trọng điểm và liên tục mở rộng phạm vi. Khu vực này có nguy cơ sạt lở cao, trung đoàn tổ chức các đài quan sát, hệ thống thông báo, báo động khép kín, trên diện rộng để kịp thời thông báo cho các lực lượng và bà con trong khu vực khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Chia sẻ nỗi đau với đồng bào Làng Nủ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã cử 30 cán bộ, chiến sĩ, 5 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm ở khu vực thượng lưu và hạ lưu sạt lở đất, lực lượng tìm kiếm chia thành nhiều tổ, mỗi tổ 3 đồng chí, tìm kiếm dứt điểm từng khu vực.
Đại tá Kiều Phi Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Chúng tôi động viên cán bộ, chiến sĩ quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, tìm kiếm các nạn nhân sớm nhất.
Một mũi do các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động triển khai cũng tích cực dầm mưa, dãi nắng chạy đua với thời gian tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra lũ quét gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, Công an tỉnh báo cáo lãnh đạo tỉnh họp ngay buổi tối 10/9 và cử 300 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ các vùng lũ. Riêng Bảo Yên, Công an tỉnh đã cử lực lượng gồm 200 cán bộ, chiến sĩ và cơ động vào khu vực Làng Nủ 100 cán bộ, chiến sĩ với trang thiết bị đầy đủ. Với tinh thần quyết tâm cao, cán bộ, chiến sĩ công an tranh thủ từng phút từng giờ, nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích, góp phần vơi bớt nỗi đau cho bà con.
Sát cánh với các lực lượng chính quy còn có lực lượng tại chỗ là dân quân, tự vệ xã Phúc Khánh và các xã, thị trấn lân cận. Những chiến sĩ sao vuông là con em đồng bào các dân tộc nơi đây nên nỗi đau của bà con Làng Nủ có khác gì nỗi đau mất người thân của họ. Chằng nề hà gian khó, hành quân từ sáng sớm và trở về khi trời sẩm tối, các chiến sĩ dân quân là những người hiểu địa bàn nên cũng là những người đầu tiên tiếp cận hiện trường, tìm kiếm thi thể, sớm đưa người đã khuất về mai táng theo phong tục.
Mỗi ngày qua đi, công tác tìm kiếm nạn nhân càng trở nên khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang luôn gắng sức, quên mình bởi giúp Nhân dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai chính là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Sau chiến dịch này, các anh sẽ trở về đơn vị nhưng những hình ảnh xúc động của người lính về với người dân lúc nguy khó sẽ luôn đọng mãi, là sợi dây vô hình gắn kết tình cảm quân dân.