Chị Lý Thị Ninh (thứ 2, từ trái sang) hướng dẫn vẽ sáp ong trên vải lanh truyền thống của người Mông ở Chế Cu Nha tại không gian Craft Link, 51 Văn Miếu, Hà Nội.
Gìn giữ nghệ thuật truyền thống lâu đời
Dân tộc Mông sinh sống ở miền núi vùng cao thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An, với gần 1,4 triệu người (theo kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế-xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc). Từ xa xưa, đồng bào Mông luôn chọn địa hình vùng cao của miền núi để sinh sống, như một cách thể hiện lối sống, ứng xử đầy bản lĩnh, phóng khoáng và mạnh mẽ trước thiên nhiên của họ.
Người Mông ngoài việc thành thạo trong sản xuất nông nghiệp, còn có các nghề thủ công truyền thống đặc sắc như chạm bạc, đúc đồng, dệt lanh, thêu hoa văn thổ cẩm... Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của người dân tộc Mông là một trong những kỹ thuật được sử dụng từ lâu đời, không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sinh động và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống. Khi tận mắt chứng kiến những bộ trang phục ấy, du khách như thấy được những câu chuyện kể về thế giới quan, thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động này. Những đồ án hoa văn của đồng bào Mông mang tính nghệ thuật cao, hầu hết các hoa văn trang trí đều mang tính chất độc bản.
Để tạo nên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Công đoạn nào cũng quan trọng, trong đó, khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ.
Ngoài ra, công đoạn này cũng đòi hỏi óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với nhau. Đầu tiên là khâu chọn sáp ong, với 2 loại: màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già; sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ C, thì sáp mới không bị khô. Bút để vẽ thực chất là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ.
Khi vẽ phải giữ sao cho lượng sáp luôn chảy đều cho đến hết mới chấm bút vào sáp để tiếp tục nét vẽ. Vẽ xong hoa văn thì đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.
Quảng bá nghệ thuật độc đáo
Hiện nay, có nhiều du khách mong muốn khám phá, tìm đến tham quan và lưu trú tại các bản làng, phụ nữ Mông đã truyền dạy những kỹ năng, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh cho du khách, vừa để quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc về văn hóa trên trang phục truyền thống của mình, vừa có thêm nguồn thu nhập. Còn du khách thì đặc biệt thích thú vì được biết thêm về kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống, được tự tay thiết kế, sáng tạo cho mình một món quà lưu niệm theo phương thức mới trên chất liệu truyền thống của người Mông.
Chỉ mất khoảng 2-3 giờ (với chi phí khoảng 200.000 đồng), dưới sự chỉ dẫn tận tình của những người phụ nữ Mông lành nghề là bạn đã có thể hoàn thành một bức vẽ sáp ong trên mảnh vải lanh (kích thước 30x30cm), những công đoạn còn lại như nhuộm chàm, phơi khô thì chủ nhà sẽ làm giúp bạn. Sáng sớm ngày hôm sau, bạn sẽ nhận lại được tác phẩm mà mình đã tự tay làm trong niềm phấn khích, như là một món quà kỷ niệm thật ý nghĩa sau chuyến du lịch.
Những bộ trang phục truyền thống trên chất liệu vải lanh với họa tiết được vẽ từ sáp ong, nhuộm chàm tự nhiên, thêu tay tỉ mỉ, màu sắc hài hòa được khoác trên mình những thiếu nữ người Mông xinh đẹp chắc chắn sẽ làm cho du khách nhớ mãi khi đến với những bản làng người Mông. Không chỉ được tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hòa nhập với cuộc sống thường ngày của bà con, du khách còn được trải nghiệm vẽ sáp ong truyền thống của người Mông.
Đặc biệt, mới đây, với mong muốn giới thiệu kỹ thuật độc đáo của dân tộc mình đến với mọi người, chị Lý Thị Ninh (bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) đã trình diễn vẽ sáp ong trên vải và công việc nhuộm chàm của người dân tộc Mông tại không gian Craft Link, 51 Văn Miếu, Thủ đô Hà Nội. Cuộc trưng bày và giới thiệu này đã thu hút nhiều du khách quốc tế và công chúng Thủ đô tham gia trải nghiệm. Những mẫu vải này đã được Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông của Chế Cu Nha làm thành nhiều sản phẩm như những chiếc túi đeo, thắt lưng, khăn trải bàn, áo.. và được bày bán ở cửa hàng Craft Link, 51 Văn Miếu, Hà Nội.
Chị Trần Tuyết Lan, Giám đốc Craft Link cho biết: “Sau 3 năm thực hiện dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái, tầm nhìn đến năm 2030”, những nét đẹp văn hóa thổ cẩm truyền thống của người dân tộc Mông tại Chế Cu Nha đã và đang được bảo tồn, phát triển và giới thiệu sâu rộng đến cộng đồng quốc tế. Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh truyền thống được nghệ nhân Lý Thị Ninh thể hiện tại đây là một hoạt động kết nối cộng đồng, giới thiệu những nét đẹp văn hóa bản địa của đồng bào Mông đến du khách quốc tế đang du lịch hoặc sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội”.
Chị Lý Thị Ninh là một trong những phụ nữ nắm bắt tốt nhất các kỹ thuật thêu, dệt và vẽ sáp ong trong bản Trống Tông. Chị Ninh bắt đầu học vẽ sáp ong của bà và mẹ từ khi mới 5 tuổi nên giúp chị có tay nghề tốt. Chị Ninh chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Mông quan niệm hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp họ được giao tiếp với các thần linh, mời được các thần linh tới nhà ban phát cho họ điềm lành, xua đi những điều dữ. Mỗi họa tiết hoa văn đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người. Đó là vốn tri thức dân gian quý giá, phản ánh trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, dấu ấn thời đại, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông”.
Hy vọng rằng, với những nghệ nhân còn rực lửa đam mê gìn giữ nghề truyền thống như chị Lý Thị Ninh, nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên trang phục của đồng bào Mông sẽ còn lưu giữ mãi, như chính hơi thở cuộc sống, niềm tự hào và tình yêu của người dân tộc nơi đây về một nét văn hóa giàu truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ.