Để phục vụ hoạt động sản xuất, Cơ sở sản xuất nội thất gỗ Hiệp Hưng, đường Điện Biên Phủ, thị xã Sa Pa phải thanh toán khoảng 5 triệu đồng cho hóa đơn tiền điện hằng tháng.
So với tổng chi phí đầu vào và thuê nhân công lao động thì khoản tiền này chưa tác động lớn tới giá thành sản phẩm, tuy nhiên trong bối cảnh mọi chi phí đều tăng thì tiết kiệm được một đồng cũng đáng quý. Từ phương châm đó, cơ sở này đã tập trung đầu tư thiết bị máy móc nhằm tối ưu hóa sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, chủ cơ sở cho biết với các thế hệ máy phay, máy bào cũ, người thợ phải thao tác từng chi tiết, thời gian máy chạy hao phí nhiều. Khi chuyển sang sử dụng máy thế hệ mới, các chi tiết gỗ được thao tác một lần, từ đó nâng cao hiệu suất sử dụng, tăng năng suất lao động, chi phí điện cũng giảm 30%. Cùng với sử dụng thiết bị mới vào sản xuất, cơ sở cũng thay thế thiết bị điện chiếu sáng bằng các bóng tiết kiệm điện và tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Khách sạn Mường Thanh Sa Pa - một trong những đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, ẩm thực lớn trên địa bàn thị xã Sa Pa trung bình mỗi tháng phải chi trả 120 - 140 triệu đồng cho hóa đơn tiền điện. Đặc biệt là vào mùa đông lạnh giá, nhiệt độ xuống thấp, khách hàng thường xuyên sử dụng điều hòa, thiết bị sưởi thì chi phí tiền điện càng tăng.
Bà Hoàng Thị Tĩnh, Phó Giám đốc khách sạn Mường Thanh - Sa Pa cho biết để tiết kiệm điện, khách sạn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó đối với khu vực giặt là, sấy sẽ thực hiện toàn bộ công việc vào giờ thấp điểm. Đối với khu vực lưu trú, khách sạn thường xuyên tuyên truyền du khách rút thẻ tắt điện khi ra khỏi phòng. Hành lang, sảnh chờ đều được lắp các thiết bị chiếu sáng có cảm biến để điều chỉnh ánh sáng phù hợp.
Các nhân viên cũng được yêu cầu khi khách trả phòng sẽ ngắt toàn bộ điện, quá trình dọn dẹp, vệ sinh đến đâu thì bật điện chiếu sáng khu vực ở đó. "Nguyên tắc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả của Khách sạn Mường Thanh - Sa Pa đơn giản là sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, tắt khi không sử dụng" - Phó Giám đốc Hoàng Thị Tĩnh cho biết.
Điện lực Sa Pa hiện đang quản lý hơn 17.000 khách hàng, trong đó khách hàng sinh hoạt là 14.347 khách hàng, khách hàng ngoài sinh hoạt là 2.685 khách hàng. Địa bàn quản lý của đơn vị có đặc thù là thành phần phụ tải chủ yếu kinh doanh dịch vụ, sản lượng điện năng tập trung ở trung tâm thị xã dẫn đến tình trạng quá tải cục bộ hệ thống lưới điện hạ áp ở một số khu vực khi đến các dịp lễ, tết.
Việc vận động doanh nghiệp, người dân sử dụng điện tiết kiệm chính là góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn.
Ông Lê Quý Cương, Giám đốc Điện lực Sa Pa cho biết tiết kiệm điện không có nghĩa là không sử dụng thiết bị điện mà quan trọng là phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Tiết kiệm điện không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho khách hàng mà với đơn vị cung cấp điện sẽ giúp giảm chi phí đầu tư hệ thống điện, hạn chế huy động các nguồn chi phí cao vào giờ cao điểm của hệ thống, dẫn đến việc vận hành cung cấp điện an toàn, hiệu quả.
Giờ Trái đất năm 2024 sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 23/3
Đối với xã hội, việc tiết kiệm điện làm giảm tổng chi phí đầu tư toàn xã hội cho hạ tầng điện để dành nguồn lực cho các hạ tầng khác, giúp phát triển kinh tế - xã hội, giảm áp lực tăng giá điện, giảm việc phải huy động các nguồn năng lực hóa thạch gây phát thải carbon, góp phần phát triển bền vững.
Để từng bước hình thành thói quen tiết kiệm điện cho khách hàng trên địa bàn, Điện lực Sa Pa thường xuyên triển khai các chương trình lan tỏa thói quen tiết kiệm điện đến doanh nghiệp, người dân, đặc biệt trong các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất.
Cùng với đó là tuyên truyền, vận động các khách hàng thay bóng đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang compact bằng đèn led tiết kiệm điện; phối hợp với các doanh nghiệp, hộ tiêu thụ điện lớn thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải.
Điện lực Sa Pa cũng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội để thông tin tình hình triển khai các dịch vụ điện trực tuyến, tư vấn tiết kiệm điện, lan tỏa các thông điệp, mô hình, sáng kiến tiết kiệm điện ở hộ gia đình, doanh nghiệp.
Ông Lê Quý Cương chia sẻ: "Để lan tỏa thói quen sử dụng điện tiết kiệm, ngành điện mong muốn có sự chung tay hưởng ứng của toàn xã hội, từ hành động cụ thể, tự giác của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình và mỗi doanh nghiệp".