Di sản trong guồng quay du lịch

Du lịch gắn với di sản văn hóa và thiên nhiên đang trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của nhiều địa phương. Từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến các trung tâm di sản quốc gia và quốc tế, nhiều nơi đã biến di sản thành tài sản.

Cộng đồng Dao đỏ ở Tả Phìn gìn giữ nguyên gốc lễ cấp sắc độc đáo.
Cộng đồng Dao đỏ ở Tả Phìn gìn giữ nguyên gốc lễ cấp sắc độc đáo.

Tuy nhiên, đằng sau những lợi ích kinh tế, không ít di sản đang bị thương mại hóa, sân khấu hóa, thậm chí biến dạng, ảnh hưởng giá trị nguyên gốc và tính bền vững của di sản.

Khi di sản trở thành sản phẩm du lịch

Miền núi Đông Bắc - nơi cộng cư của nhiều dân tộc thiểu số với đời sống văn hóa đặc sắc, du lịch văn hóa đang phát triển mạnh mẽ. Các sản phẩm du lịch như chợ phiên vùng cao, tour trải nghiệm làng nghề, các lễ hội truyền thống… đã góp phần quảng bá bản sắc và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, khi di sản trở thành tài nguyên du lịch, việc biến tấu, mô phỏng, dàn dựng theo thị hiếu du khách ngày càng phổ biến.

Nhiều nghi lễ như Gầu Tào của người Mông, nhảy lửa của người Pà Thẻn… bị cắt gọt nghi thức, thay đổi thời gian tổ chức, di dời không gian hành lễ làm mất tính thiêng và vai trò gắn kết cộng đồng. Từ một nghi thức tâm linh gắn với đời sống tinh thần của người dân, không ít lễ hội dần bị “sân khấu hóa” thành tiết mục biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Tình trạng tương tự diễn ra với nghề thủ công truyền thống. Ở các bản làng người Thái, Mông, Dao, sản phẩm thổ cẩm từng là kết tinh của kỹ thuật dệt, biểu đạt bản sắc tộc người, nay bị đơn giản hóa quy trình, công nghiệp hóa. Nhiều sản phẩm không còn do người dân tự dệt, thêu mà sử dụng vải công nghiệp, họa tiết in sẵn. Một số nơi nhập hàng từ nơi khác nhưng gắn nhãn “đặc sản địa phương”, làm giảm giá trị và tính xác thực của sản phẩm.

Khi trang phục truyền thống chỉ xuất hiện khi có đoàn khách, nghề thủ công không còn phục vụ đời sống thường nhật và lễ hội trở nên xa lạ với chính cộng đồng tổ chức… thì di sản cũng không còn “sống” trong cộng đồng.

Đáng lo ngại hơn, thế hệ trẻ ngày càng ít gắn bó với các giá trị văn hóa truyền thống, làm gia tăng nguy cơ đứt gãy văn hóa. Những biểu hiện thương mại hóa quá mức, sản phẩm giả mạo, nghi lễ bị bóp méo… không chỉ làm tổn thương tinh thần cộng đồng, mà còn làm giảm sức hấp dẫn thực chất của điểm đến.

Du khách có thể tò mò trong lần đầu, nhưng khi phát hiện sự dàn dựng trải nghiệm sẽ trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu.

Di sản thiên nhiên dưới áp lực du lịch

Không chỉ di sản văn hóa phi vật thể, nhiều di sản thiên nhiên cũng đang đối mặt với áp lực từ hoạt động du lịch thiếu kiểm soát.

Vịnh Hạ Long, Di sản thiên nhiên thế giới từng nhiều lần được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường, lấn chiếm không gian cảnh quan và xây dựng trái phép.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), dù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cũng từng bị tác động bởi các công trình du lịch xâm phạm vùng lõi, làm thay đổi cảnh quan và môi trường sinh thái.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiều lần nhấn mạnh, việc phát triển du lịch cần đặt trong mối quan hệ hài hòa với công tác bảo tồn.

Đang trong chuyến công tác tại Việt Nam, trao đổi với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO, đã chia sẻ: Tôi rất quan tâm đến mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong các buổi làm việc với chính quyền và cơ quan chuyên môn tại các địa phương có di sản thế giới như Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế… chúng tôi sẽ cùng trao đổi cụ thể về chiến lược gìn giữ di sản, trong đó nhấn mạnh việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.

Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.
Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Du lịch và di sản không đối lập nếu được đặt trong quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Du lịch cần di sản để tạo ra điểm đến khác biệt; ngược lại, di sản cần du lịch để có thêm nguồn lực bảo tồn. Cốt lõi là cách tiếp cận: Không coi di sản là tài nguyên có thể khai thác một chiều mà là nền tảng phát triển bền vững.

Cần lấy cộng đồng làm trung tâm, lấy di sản làm nền tảng và lấy văn hóa làm động lực trong mọi hoạt động phát triển du lịch. Cộng đồng nắm giữ di sản sẽ hiểu di sản hơn bất cứ ai, nhưng để thực sự làm chủ, cần có chính sách hỗ trợ, hướng dẫn cách gìn giữ và phát huy di sản trong bối cảnh mới.

Nhiều địa phương đã có bước chuyển tích cực như phục dựng lễ hội theo nguyên gốc, có sự tham gia của nghệ nhân và nhà nghiên cứu văn hóa, triển khai các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bản địa.

Tuy nhiên, để những mô hình này phát huy hiệu quả, cần mở rộng quy mô, bảo đảm tính nguyên bản và chất lượng, tránh xu hướng phục dựng nửa vời hoặc quá lệ thuộc vào trình diễn.

Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm văn hóa bản địa cần được đầu tư bài bản.

Công tác quy hoạch du lịch cần lồng ghép yếu tố bảo tồn, xác định rõ ranh giới giữa phát huy và khai thác, tránh tình trạng “cạn kiệt di sản”.

Bảo tồn yếu tố gốc của di sản góp phần phát triển du lịch bền vững.
Bảo tồn yếu tố gốc của di sản góp phần phát triển du lịch bền vững.

Một hướng đi quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển di sản bền vững là tăng cường giáo dục văn hóa và truyền dạy nghề truyền thống trong cộng đồng. Việc tổ chức các lớp học văn hóa, truyền nghề thủ công, tái hiện không gian sinh hoạt cổ truyền… sẽ giúp thế hệ trẻ nhận diện bản sắc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tinh thần gìn giữ di sản. Các trường học cần đưa giáo dục di sản vào chương trình chính khóa và ngoại khóa, kết nối nhà trường với cộng đồng sở hữu di sản.

Chính quyền địa phương, ngành văn hóa, du lịch và các tổ chức bảo tồn cần phối hợp chặt chẽ trong quản lý, xử lý nghiêm các hành vi bóp méo văn hóa, vi phạm cảnh quan và môi trường.

Di sản được bảo tồn và phát huy đúng cách sẽ không chỉ là vốn quý của cộng đồng, mà còn là “tài sản chiến lược” của ngành du lịch. Trong guồng quay phát triển, giữ gìn được bản sắc chính là giữ gìn sức sống bền vững của điểm đến.

Khi được khai thác hợp lý, di sản sẽ là “vốn liếng” của ngành du lịch trong dài hạn, góp phần nâng cao giá trị điểm đến.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Truyền thông góp sức xây dựng thương hiệu du lịch

Truyền thông góp sức xây dựng thương hiệu du lịch

Tỉnh Yên Bái đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch cả nước. Với tiềm năng phong phú, từ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đến những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa, Yên Bái đang nỗ lực xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch riêng, trong đó vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng.

“Đòn bẩy” du lịch mùa hè

“Đòn bẩy” du lịch mùa hè

Dịp nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày (từ 30/4 - 4/5). Tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 265.000 lượt, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2024; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 905 tỷ đồng, tăng 6% so với kỳ nghỉ lễ năm 2024. Con số này là bước đệm để ngành du lịch tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, thú vị thu hút du khách, đặc biệt là trong dịp cao điểm du lịch mùa hè.

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Thay vì chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm “cho vui”, khách du lịch trải nghiệm có chiều sâu, học hỏi những kỹ năng, kiến thức cùng cư dân bản địa, cùng sáng tạo các sản phẩm với cư dân, nghệ sĩ, nghệ nhân địa phương. Du lịch sáng tạo tạo ra sức hút, động lực phát triển mới cho ngành du lịch và khẳng định bản sắc văn hóa của các địa phương. Đây vừa là xu hướng mới, vừa là giải pháp mà các địa phương cần triển khai, nhân rộng.

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ, ở độ cao 1.000 - 3.000m so với mực nước biển, thuộc địa phận thị xã Sa Pa (Lào Cai) và một phần của huyện Tân Uyên (Lai Châu). Đây là điểm đến nhất định phải có trong cẩm nang du lịch của du khách khi đến với Sa Pa.

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã ký ban hành kế hoạch số 2045/KH-BVHTTDL về kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật và đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở giáo dục đào tạo nghiệp vụ lĩnh vực du lịch và hướng dẫn viên du lịch...

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

53% du khách Việt Nam có kế hoạch du lịch cùng gia đình, đó là thông tin theo dữ liệu từ Dự đoán xu hướng du lịch 2025 của Booking.com. Điều này cho thấy du khách Việt Nam có xu hướng dành thời gian ý nghĩa bên người thân.

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

Xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) có 9 thôn với hơn 1.400 hộ dân sinh sống. Nơi đây tập trung chủ yếu các thành phần dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Kinh, trong đó 95% là người Mông. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng bản sắc văn hóa được gìn giữ, Mường Hoa thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư xây dựng đô thị Bảo Hà (Bảo Yên) với hạ tầng cơ sở đáp ứng phát triển du lịch. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã điều chỉnh chương trình phát triển đô thị này đến năm 2030 để mở rộng và kết nối du lịch tâm linh liên vùng.

fb yt zl tw