Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khoanh định, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất là căn cứ quan trọng để bảo vệ tài nguyên nước cũng như quyền lợi của người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Quang Quyết/TTXVN)
Trước thực trạng môt số địa phương đã và đang áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp với thực tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gấp rút triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã quy định mọi tổ chức, cá nhân có quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước để phục vụ cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, các mục đích khác và được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Trên cơ sở đó, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã chú trọng công tác cải cách hành chính về công tác cấp phép, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, khai thác nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất đồng thời cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực tế tại môt số địa phương hiện vẫn đang áp dụng biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất chưa phù hợp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn chưa triển khai việc khoanh định, công bố danh mục "vùng hạn chế khai thác nước dưới đất" theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất.
Vì thế, để sớm chấn chỉnh thực trạng trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các tỉnh, thành phố chưa phê duyệt danh mục "vùng hạn chế khai thác nước dưới đất" cần khẩn trương tổ chức triển khai việc khoanh định, công bố danh mục vùng này đồng thời xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước.
Đối với các tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị sớm tổ chức xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP; trong đó cần đảm bảo áp dụng đúng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng khu vực, từng vùng hạn chế và từng công trình.
Với các công trình khai thác nước dưới đất đã được cấp giấy phép thì chỉ áp dụng biện pháp hạn chế khai thác là “dừng khai thác và thực hiện xử lý, trám lấp giếng” hoặc “không gia hạn giấy phép” nếu công trình thuộc vùng hạn chế 1 (khu vực xảy ra sụt lún đất, nhiễm mặn, ô nhiễm hoặc khu vực liền kề khu vực xảy ra sự cố).
Trường hợp công trình không nằm trong vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thì vẫn được xem xét cấp mới, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật tài nguyên nước năm 2012 và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.