Báo cáo của Chính phủ cho biết, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Kinh tế-xã hội tiếp tục phục hồi tích cực; dành được 680.000 tỷ đồng cho chính sách tiền lương mới
Báo cáo tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội: Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt hơn 5%), tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (đã báo cáo tăng khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước vượt 8,2% và tăng 133.400 tỷ đồng so với dự toán.
Cùng với đó, nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, người dân; đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191.500 tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP; dư nợ công khoảng 37% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo.
Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Đối với kết quả đạt được những tháng đầu năm 2024, báo cáo của Chính phủ cho thấy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I năm 2024 đạt 5,66%; cao nhất trong giai đoạn 2020-2023 - đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; chi trả chế độ trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn…
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh…