Do địa hình nhiều đồi núi dốc, mỗi khi bước vào mùa mưa, lũ, huyện Bát Xát hứng chịu nhiều thiệt hại. Tỉnh lộ 156B mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mở rộng nền đường, nắn cua, thảm bê tông asphalt. Vì đường mới mở, một số vị trí nền địa chất thay đổi nên nguy cơ xảy ra sạt lở trên Tỉnh lộ 156B rất cao. Ông Vàng Văn Sử ở xã Mường Vi cho biết: Tôi thường xuyên đi trên Tỉnh lộ 156B để ra thị trấn Bát Xát. Mỗi khi đi trên tỉnh lộ này, tôi vẫn rất chú ý, nhất là những hôm mưa, lũ. Rất mong các cơ quan chức năng xử lý triệt để những điểm có nguy cơ sạt lở, giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn huyện Bát Xát vẫn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa, lũ. Ông Tô Văn Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các địa phương tăng cường lực lượng thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ; chủ động thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa để có biện pháp phòng, chống; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người qua lại tại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập nước; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá.
Năm 2022, những trận mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Bàn bị sạt lở, ngập, gây ách tắc giao thông. Đặc biệt, Quốc lộ 279 đoạn chạy qua thôn Minh Thượng, xã Minh Lương bị sạt lở 2 điểm; Tỉnh lộ 151 đoạn chạy qua địa bàn xã Sơn Thủy sạt lở nhiều điểm; Tỉnh lộ 151B đoạn chạy qua địa bàn xã Nậm Dạng sạt lở 4 điểm. Mặc dù những điểm, tuyến bị sạt lở, ngập lụt năm trước đã cơ bản được khắc phục, nhưng trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Văn Bàn vẫn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở. Riêng xã Nậm Chày đang thi công 4 tuyến đường, với tổng chiều dài 6,6 km. Do nền địa chất yếu, khi mở nền đường rộng từ 4 m - 6 m trên các tuyến đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Đỗ Sinh Nhật, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Văn Bàn cho biết: Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa, lũ, đồng thời tổ chức duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường. Trong trường hợp xảy ra sạt lở, ngập úng, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương bố trí người ứng trực, cắm biển cảnh báo và huy động nhân lực, phương tiện máy móc khắc phục sớm nhất.
Theo thông tin của Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình thiệt hại do thiên tai trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh xảy ra với số lượng và khối lượng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan, tình hình thiên tai, trong đó có việc sạt lở đất, đá, ngập lụt trên các tuyến đường trong tỉnh thời gian tới có thể phức tạp. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu quản lý, bảo trì đường bộ thực hiện nghiêm công tác trực, tuần đường, báo cáo diễn biến thiên tai; kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá, lũ quét để có phương án phân luồng từ xa; chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang - thiết bị, máy móc sẵn sàng xử lý, khắc phục giao thông khi có lũ quét, sạt lở đất, đá, trôi cầu, đứt đường xảy ra. Sở Giao thông vận tải - Xây dựng cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý, bảo vệ hành lang an toàn giao thông, bảo dưỡng thường xuyên và khắc phục thiên tai trên các tuyến đường được giao quản lý.
Đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa, lũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Những phương án mà các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang triển khai sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, hạ tầng giao thông, giúp giao thông thông suốt, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.