Theo đại biểu Sùng A Lềnh, việc ban hành luật nêu trên đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối trong hệ thống chính trị; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định tại Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tương xứng trong quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là những người am hiểu về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, thông thuộc địa bàn cùng sinh sống, sinh hoạt cùng Nhân dân; nắm chắc tình hình, tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc trong Nhân dân; có điều kiện phát hiện sớm những dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự, giúp lực lượng công an chính quy triển khai các nhiệm vụ hiệu quả toàn diện.
Tham gia xây dựng đối với dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị làm rõ, bổ sung, sửa đổi một số điểm tại Điều 4 về “Tuyển chọn, sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở”; Điều 7 về “Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính” và Điều 10 về “Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội”.
Về tinh thần xây dựng luật, theo đại biểu Sùng A Lềnh, để đảm bảo nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương điều động lực lượng công an chính quy cho các đơn vị xã, phường, thị trấn, ngoài lực lượng cảnh sát phải có cả lực lượng an ninh.