Đại biểu Sùng A Lềnh viện dẫn Điều 216 của dự thảo Luật về “Đất sử dụng đa mục đích” thì việc xác định mục đích sử dụng đất được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất sẽ gặp vướng mắc khi giao đất, cho thuê đất do không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do vậy đề nghị Quốc hội bổ sung quy định về “quy hoạch cho đất sử dụng đa mục đích” vào dự án Luật để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện.
Phân tích thêm Điều 216, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng cần có quy định chi tiết đối với các dự án thương mại, dịch vụ có nhiều mục đích khác nhau thì được xác định loại đất theo mục đích chính khi dự án đầu tư hoặc theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; đối với các mục đích khác được xác định là đất công trình công cộng có mục đích kinh doanh.
Đối với việc sử dụng đất đầu tư khu đô thị, nhà ở thương mại thì ngoài việc xác định mục đích đất ở theo quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các công trình còn lại được xác định theo từng loại đất theo quy hoạch như đất giáo dục, đất văn hóa, đất chợ, đất giao thông, đất công viên, đất cây xanh... để phù hợp với thực tiễn, bàn giao các công trình công cộng về cho địa phương quản lý.
Đại biểu Sùng A Lềnh dẫn chứng, hiện nay có một số nhà đầu tư đề xuất dự án hỗn hợp gồm: nông nghiệp, du lịch sinh thái, trồng rừng, thương mại dịch vụ, sân golf ... việc xác định chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn gặp khó khăn; việc giao đất, cho thuê đất nếu căn cứ theo dự thảo luật thì sẽ vướng về căn cứ pháp lý là không làm thay đổi mục đích sử dụng đất.
Có trường hợp, các vị trí đề xuất thực hiện dự án thuộc các khu vực có di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh đã được cấp có thẩm quyền xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh và có tiềm năng về phát triển du lịch. Tuy nhiên, các vị trí này có thể trùng với các vị trí đã được cấp phép khai thác khoáng sản và theo quy hoạch sử dụng đất thuộc đất cho hoạt động khoáng sản, nhưng việc khai thác khoáng sản thuộc khai thác hầm lò không sử dụng đất mặt.
Cũng trong chiều 21/6, đại biểu Sùng A Lềnh còn tham gia xây dựng Điều 10 về “Phân loại đất”. Dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các nhóm đất và tại khoản 4 quy định giao “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các loại đất tại Điều này”. Đại biểu cho rằng, việc quy định như vậy sẽ là không bao quát vì nếu tương lai phát sinh các loại đất mới, khi đó không đảm bảo tính ổn định lâu dài của Luật. Đề nghị Ban Soạn thảo xem xét giao cho Chính phủ quy định chi tiết các loại đất tại điều này và trường hợp có phát sinh nhóm đất mới thay vì giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, như thế là phù hợp, tránh trường hợp phải sửa đổi Luật ngay sau khi có hiệu lực.
Tại Điều 30 về “Nghĩa vụ chung của người sử dụng đất” có quy định “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa ghi nhận việc được sử dụng độ sâu trong lòng đất và không gian trên mặt đất là cùng một quyền của người sử dụng đất. Đại biểu Sùng A Lềnh viện dẫn, Khoản 2, Điều 175, Bộ luật Dân sự quy định “Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác”. Quy định này có ý nghĩa quan trọng để khẳng định quyền của người sử dụng đất trong mối quan hệ với các chủ thể khác nên rất cần được ghi nhận trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị làm rõ nội dung “độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không” được áp dụng theo quy định, tiêu chuẩn nào? Điều đó sẽ đảm bảo người sử dụng đất không vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 2, Điều 12 của dự thảo Luật này và người sử dụng đất nắm chắc nghĩa vụ trong quá trình sử dụng đất.