Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh chỉ rõ, tại khoản 10 Điều 13 của Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) về “Các hành vi bị nghiêm cấm” có nêu: “Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng”. Như vậy, chỉ cấm hành vi đưa mà không cấm hành vi nhận, môi giới hối lộ là chưa đầy đủ, rất cần Ban soạn thảo bổ sung “hành vi nhận, môi giới hối lộ” vào điểm này. Cụ thể hơn, hành vi bị nghiêm cấm cần ghi đầy đủ là: “Đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến hóa đơn, chứng từ để được khấu trừ thuế, hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế giá trị gia tăng”.
Cũng tại bài phát biểu này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đã bảy tỏ sự đồng thuận cao với các nội dung Luật Thuế GTGT (sửa đổi), điều luật được ban hành năm 1997, sửa đổi toàn diện năm 2008 và tiếp tục sửa đổi các năm 2013, 2015 và 2016.
Giá trị của Luật Thuế GTGT năm 2008 làm giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần tạo sự minh bạch trong các hoạt động kinh tế, chống gian lận trong hoàn thuế... Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đến nay, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế và việc ban hành dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) là điều rất cần thiết.
Tiếp tục tham gia các nội dung, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng cần sửa đổi một số điểm để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch trong áp dụng Luật Thuế GTGT (sửa đổi) với hệ thống pháp luật. Dẫn chứng sự khác biệt, đại biểu Lan Anh chỉ rõ, tại điểm g khoản 9 Điều 5 của Dự thảo Luật Thuế GTGT quy định đối tượng không chịu thuế gồm: “Dịch vụ tài chính phái sinh bao gồm: hoán đổi lãi suất hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn mua bán ngoại tệ; dịch vụ tài chính phái sinh khác theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, tại khoản 32 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 lại quy định “Sản phẩm phái sinh là công cụ tài chính được định giá theo biến động dự kiến về giá trị của một tài sản tài chính gốc như lãi suất, ngoại hối, tiền tệ hoặc tài sản tài chính khác”.
Điều 2 của Dự thảo Luật Thuế GTGT ghi: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Theo đại biểu Lan Anh, việc quy định như vậy đúng về hình thức nhưng chưa phản ánh được bản chất (khác với các sắc thuế khác). Bởi thuế GTGT là do bên mua chịu, còn bên bán nộp thuế thay vào ngân sách nhà nước, đây là vấn đề xuyên suốt, cần được quy định cụ thể hơn.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh còn tham gia xây dựng Điều 3 về “Đối tượng chịu thuế”. Dự thảo nêu: “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Theo đại biểu, cần bỏ cụm từ “là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng”, bởi đối tượng chịu thuế là “Hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này”. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cũng đề nghị sửa đổi nội dung khoản 26 Điều 5 của Dự thảo Luật Thuế GTGT.