Ngày 30/1, tại TP.Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo định hướng quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045.
Trung tâm TP.Đà Lạt hiện nay.
Trước đó, theo quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17.3.2023, Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045. Theo đó, vùng phụ cận được xác định phạm vi ranh giới là toàn bộ địa giới hành chính TP.Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần H.Lâm Hà (gồm TT.Nam Ban và các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 335.930 ha, gấp 9 lần TP.Đà Lạt hiện nay.
Trong đó, H.Đức Trọng được xác định là một trong những vệ tinh chiến lược, chia sẻ rất nhiều chức năng cho Đà Lạt. Do đó, quá trình quy hoạch sẽ gắn với lộ trình chuyển đổi H.Đức Trọng thành thị xã trong tương lai.
Xây dựng đô thị xanh, hiện đại đẳng cấp quốc tế
Mở đầu hội thảo, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết quy hoạch lần này, bên cạnh giải nén, giải quyết các vấn đề hiện tại và tương lai của Đà Lạt. Lộ trình chính của quy hoạch sẽ xây dựng Đà Lạt thành đô thị xanh trực thuộc trung ương.
Ông Trần Ngọc Chính (giữa) điều hành hội thảo.
Theo TS-KTS Trần Thị Lan Anh (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), quy hoạch chung Đà Lạt phải bảo đảm tính kế thừa phù hợp với các quy hoạch còn hiệu lực thi hành, tiếp tục khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng để phát triển thành một thành phố hiện đại; bảo tồn và phát triển Đà Lạt về kiến trúc, văn hóa, lịch sử…, xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch, văn hóa, khoa học, có bản sắc xanh, hấp dẫn và hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế.
Còn TS-KTS Nguyễn Ngọc Bình (nguyên Phó vụ trưởng Văn phòng Chính phủ) cho rằng: "Xây dựng Đà Lạt thành đô thị bền vững, trở thành đô thị di sản là xu thế tất yếu. Cần nghiên cứu mở rộng không gian đô thị theo nguyên tắc phát triển hài hòa, thân thiện giữa các mặt kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường". Cũng theo ông Bình, Đà Lạt cần bảo vệ và phát huy 3 giá trị cốt lõi gồm: khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và quỹ di sản công trình kiến trúc lâu đời, có giá trị cao.
Đà Lạt cần giữ những không gian xanh còn lại bằng mọi giá.
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học và nhà quy hoạch chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong quy hoạch và phát triển đô thị, tập trung vào các vấn đề như quy hoạch đất đai, đô thị, quy hoạch hệ thống hạ tầng; bảo vệ không gian xanh bền vững… để phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn thiên nhiên để giảm thiểu rủi ro và thích ứng biến đổi khí hậu.
Phải giữ những không gian xanh còn lại bằng mọi giá
Phát biểu tại hội thảo, KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến, để phát triển đúng định hướng đô thị xanh, đô thị di sản, Đà Lạt cần mở rộng không gian phát triển để bảo tồn và chỉnh trang vùng lõi đô thị hiện hữu. Theo ông Sơn, nếu lấy hồ Xuân Hương làm trung tâm thì có thể phát triển về hướng đông. Ở đó, chúng ta sẽ kiến tạo không gian mới, đất vàng, tạo cơ hội cho những luồng phát triển mới. Việc kiến tạo không gian mới có ý nghĩa tăng tốc phát triển nhưng không gây xáo trộn ở vùng lõi đô thị Đà Lạt hiện hữu.
Những không gian xanh ít ỏi còn lại quanh hồ Xuân Hương phải bảo vệ bằng mọi giá.
Tuy nhiên, những không gian xanh ít ỏi còn lại xung quanh hồ Xuân Hương như Dinh tỉnh trưởng, Đồi Cù... phải bảo vệ bằng mọi giá. Bê tông hóa nhiều quá rồi. Phải bảo vệ những mảng xanh Đà Lạt, phải tăng không gian xanh và mặt nước.
KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu ý kiến cần mở rộng không gian phát triển để bảo tồn và chỉnh trang vùng lõi đô thị hiện hữu.
Cũng theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, cần định hướng chiến lược tương lai cho Đức Trọng, tiền nhân đã làm cho Đà Lạt thế nào, chúng ta phải làm cho Đức Trọng như thế, cần dành 50% mảng xanh, mặt nước để tương lai Đức Trọng phải là đô thị xanh và hiện đại.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tỉnh Lâm Đồng rất trân trọng việc lắng nghe ý kiến chuyên gia tại hội thảo và cộng đồng xã hội. Các ý kiến và đề xuất của chuyên gia sẽ được tỉnh xem xét để tổ chức công tác quy hoạch sắp tới, là cơ sở khoa học trong việc lựa chọn hướng phát triển đô thị cho TP.Đà Lạt trong tương lai tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.