Với sứ mệnh hàn gắn những rạn nứt của xã hội trong quá trình phát triển, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng tới phát triển bền vững, nhân văn và nhân ái, hơn 13 năm nghề công tác xã hội (CTXH) đi vào thực tiễn cuộc sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ghi nhiều dấu ấn tích cực, phát huy tối đã tính nhân văn, nhân ái trong cộng đồng vốn trọng lẽ tương thân “lá lành đùm lá rách”.
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH. Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là ngày truyền thống CTXH. Đây chính là nền móng đưa CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp, không những được Nhà nước công nhận về mặt pháp lý mà còn được xã hội thừa nhận; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và tiến bộ xã hội, xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm qua, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Đảng bộ, chính quyền các cấp, các sở, ngành chủ quản chỉ đạo thực hiện trợ giúp những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ và gia đình cải thiện cuộc sống dần được nâng lên cùng với cộng đồng dân cư trong khu vực. Đồng thời, đội ngũ cán bộ làm CTXH đã phát triển và được bổ sung về số lượng cũng như chất lượng ở các cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trước mắt.
Khảo sát thực tế cho thấy, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 780 nghìn người; trong đó, nhu cầu trợ giúp của đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội chiếm khoảng 5% dân số (hiện nay đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng chiếm trên 2,8% dân số). Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng, từ xã hội theo tinh thần xã hội hoá cho công tác bảo trợ xã hội còn hạn chế, trợ giúp cho các đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, đến hết năm 2023 toàn tỉnh còn có trên 26,7 nghìn hộ nghèo (phần lớn là người dân tộc thiểu số); một số ít hộ gia đình có bạo hành, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở các mức độ khác nhau và nhiều các vấn đề xã hội khác như ly hôn, bỏ nhà đi lang thang, người tàn tật, người già và trẻ em bị bỏ rơi… Sự biến động số lượng ở mỗi nhóm đối tượng này rất khác nhau; hơn nữa nền kinh tế phát triển nhanh, nhiều vấn nạn xã hội nảy sinh và cần có những nhà hoạt động xã hội chuyên nghiệp giải quyết.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của nghề CTXH, tỉnh Lào Cai đã hình thành và phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH theo hướng bền vững, tập trung phát triển các dịch vụ CTXH cho các nhóm yếu thế như người già, trẻ em, người khuyết tật. Hơn nữa, để nâng cao hiệu quả nghề nghiệp, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nhân lực làm CTXH theo nguyên tắc “Mạng lưới nhân lực làm CTXH phải chắc từ cơ sở”, Lào Cai đã chú trọng phát triển lực lượng cán bộ/cộng tác viên CTXH trong các bệnh viện trường học, hệ thống tư pháp, tòa án…
Chỉ tính riêng Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đã bố trí 13 công chức (thuộc các Phòng: Người có công, Bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội), tại các Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội cấp huyện đều có 2 - 3 công chức phục trách lĩnh vực CTXH, công chức văn hoá – xã hội; thành lập Trung tâm Công tác xã hội tỉnh với trên 30 cán bộ/viên chức. Bên cạnh đó 152 xã, phường, thị trấn đều có đội ngũ cộng tác viên CTXH trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện quản lý nhà nước về công tác xã hội. Dù là cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm thì những cán bộ hoạt động CTXH luôn là những nhân tố tích cực, đủ bản lĩnh, đủ yêu thương cho các hoạt động xã hội ngày càng khó khăn và phức tạp.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai các hoạt động CTXH, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, việc xã hội hoá cả về tài lực và công lực là một tất yếu đóng góp hiệu quả đối với phát triển kinh tế - hội, an sinh xã hội ở Lào Cai. Đó là sự đồng thuận trong vận động, đóng góp tích cực của các Quỹ từ tỉnh đến cơ sở (Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Bảo trợ trẻ em, Khuyến học...); Chương trình "Vươn tới ước mơ", “Hộp thư truyền hình”, “Nhân đạo”… của Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh và Báo Lào Cai; các hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân.
Song song với đó là việc phát triển đội ngũ cán bộ, cộng tác viên CTXH trong tỉnh; thời gian qua Sở Lao động – TBXH tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng để bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của nghề công tác xã hội cho hàng nghìn cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em toàn tỉnh; thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp xã hội cho các đối tượng qua đơn vị cung cấp dịch vụ của Bưu điện tỉnh; thực hiện các hoạt động cứu trợ đột xuất cho nhiều đối tượng gặp khó khăn…
Đến nay, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với nghề công tác xã hội đã có nhiều biến chuyển tích cực, góp phần từng bước thay đổi về nhận thức của xã hội trong công tác trợ giúp các đối tượng yếu thế, tạo ra sự phát triển bền vững để giải quyết hiệu quả các vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm cộng đồng tự vươn lên.
Bà Trần Thị Hương Giang – Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc trên 100 đối tượng bảo trợ xã hội (trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần).
Để quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng tốt các đối tượng bảo trợ tại Trung tâm, các cán bộ, nhân viên đã luân phiên trực 24/24h nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đối tượng; đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng theo thực đơn hàng ngày… Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền giới thiệu các hoạt động trọng tâm trong lĩnh vực công tác xã hội để các tổ chức, cá nhân biết về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm công tác xã hội tỉnh; nhất là trong việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho các đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp.
Từ thực tế trên, chúng ta nhận thấy rằng quá trình chuyên nghiệp hóa CTXH là một nhiệm vụ quan trọng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội do mặt trái của phát triển kinh tế sinh ra. Nghề CTXH và những người làm CTXH đã và đang chứng minh cho cộng đồng thấy những ý nghĩa nhân văn, thiết thực nhưng mang đủ đầy tính chuyên nghiệp, sáng tạo. Thông qua các hoạt động đa chiều của nghề CTXH đã tạo ra sự phát triển bền vững để giải quyết hiệu quả các vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội. Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm cộng đồng tự vươn lên.
Công tác xã hội tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc ta; phù hợp chủ trương phát triển bền vững của đất nước, hướng đến mục tiêu vì con người của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.