Dư âm ngày xuân còn phơi phới, vậy nhưng, người dân thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương đã lên đồi hái dứa bán, bắt đầu một mùa thu hoạch mới. Trưởng thôn Cốc Phương Giàng Lử khéo léo chở tôi bằng xe máy lách qua con đường hẹp chạy vòng quanh sườn núi, leo chót vót lên gần đỉnh. Thả tầm mắt ra xa, chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn của dứa. Dứa nối nhau “chạy” từ chân đồi lên tận đỉnh, dứa trải dài từ đồi này sang đồi khác, tựa tấm thảm xanh mênh mang một vùng biên ải. Dứa bám ra tận mép đường, những quả dứa đã bắt đầu chuyển màu như ngàn vạn thỏi vàng, chắt chiu sương gió dâng vị ngọt cho người trồng.
Bên nương dứa đã đến kỳ thu quả, ông Thào Sẩu cho hay, nương dứa này đã có người mua toàn bộ, khoảng 300 triệu đồng. Năm nay dứa được giá nên người trồng dứa của thôn Cốc Phương vui lắm. Là một trong những người đầu tiên đến lập thôn Cốc Phương hơn 35 năm trước, cũng là một trong vài người tiên phong trồng dứa ở đây, ông Sẩu thừa nhận có lúc thăng, lúc trầm nhưng cây dứa đã góp phần mang lại ấm no cho người dân trong thôn. Hiện, nhà ông Sẩu có khoảng 14 vạn cây dứa đều đến kỳ thu hoạch và được thương lái đặt mua toàn bộ để thu hái dần. Ông Sẩu chỉ tay về phía ngôi nhà xây 2 tầng khang trang ngay cạnh Tỉnh lộ 154 bảo: Tôi xây nó (ngôi nhà) từ năm 2018, khoảng 1 tỷ đồng, tất cả đều từ dứa mà ra.

Ông Thào Dìn năm nay 62 tuổi, từng là Trưởng thôn Cốc Phương 17 năm (1994 - 2011) kể, theo chủ trương di dân ra xây dựng khu vực biên giới, từ năm 1989 - 1990, có 34 hộ dân tộc Mông đã di chuyển từ vùng đất khát Dìn Chin về đây và lập ra thôn Cốc Phương. Thời gian đầu gặp muôn vàn khó khăn, cùng với dịch bệnh sốt rét, khiến 10 hộ trở lại Dìn Chin, chỉ còn 24 hộ kiên cường bám trụ. Lúc đó, Tỉnh lộ 154 chạy dọc tuyến biên giới từ xã Bản Lầu đi xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương vẫn chưa được mở rộng, có đoạn chỉ là đường mòn, đi lại rất khó khăn. Muốn ra chợ phiên Bản Lầu hoặc học sinh đi học đa số phải cuốc bộ theo đường mòn trên núi.
Đến năm 1997, ông Dìn và các ông Thào Sẩu, Thào Minh… học hỏi kỹ thuật từ một số người bạn bên phía Trung Quốc bắt đầu đưa cây dứa về trồng tại thôn. Cứ thế đắp đổi, cây dứa cùng với những người dân di cư đến bám rễ, gắn bó mấy chục năm trời, tạo dựng cuộc sống no ấm ở Cốc Phương như ngày nay.
Từ 24 hộ dân ban đầu, đến nay thôn Cốc Phương đã có 50 hộ, trong đó có 1 hộ là người Kinh, còn lại là người Mông. Trưởng thôn Cốc Phương Giàng Lử cho biết, trước đây, 100% hộ dân trong thôn đều trồng dứa. Tuy nhiên, do một vài thời điểm quả dứa rớt giá nên một số hộ dân chuyển sang trồng các loại cây khác, như sắn, ngô, cây ăn quả, gần đây là cây quế… Đến nay, toàn thôn chỉ còn khoảng 27 hộ trồng dứa. Mấy năm gần đây, một số nhà máy chế biến hoa quả tại địa phương và trong nước tiến hành thu mua, không còn phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường truyền thống nên dứa quả có giá ổn định, cùng với chính sách hỗ trợ phân bón của Nhà nước theo chương trình phát triển vùng nguyên liệu dứa xã Bản Lầu, đã tạo thêm điểm tựa để người dân yên tâm gắn bó hơn với cây trồng này.

Ở Cốc Phương hiện có nhiều gia đình trẻ tích cực trồng dứa, ví như chính Trưởng thôn Giàng Lử (sinh năm 1986) trồng 11 vạn cây. Vụ dứa năm nay anh đã bán hết cả đồi dứa cho thương lái với giá hơn 300 triệu đồng, trừ mọi chi phí thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.
Cuộc sống của người dân trong thôn giờ đây khác xưa nhiều lắm rồi. Tôi còn nhớ những năm đầu chuyển từ Dìn Chin sang Cốc Phương, đi học bậc học THCS phải ra tận trung tâm xã Bản Lầu, mang theo gạo, trọ học cuối tuần mới về. Còn giờ, đường giao thông mở rộng, thảm nhựa phẳng lì, xe máy phóng vèo vèo
Trở lại với cây dứa, diện tích trồng dù giảm so với trước đây không hẳn là câu chuyện buồn, bởi trong khó khăn, người dân không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã năng động chuyển đổi, bắt nhịp, tìm hướng phát triển kinh tế mới trên quê hương mình. Trước đó, câu chuyện về cây chuối cấy mô cũng là một minh chứng rõ nét. Sau nhiều năm canh tác, cây chuối cấy mô bị nhiễm bệnh Panama, không chỉ người dân Cốc Phương mà nhiều hộ trồng trong toàn tỉnh phải chặt bỏ. Nếu cứ phụ thuộc vào một loại cây chưa hẳn đã tốt, vì vậy việc đa dạng hóa các loại cây sẽ tạo sự năng động hơn cho kinh tế địa phương.
Xuất phát điểm khó khăn, nhờ cần cù lao động, người dân thôn Cốc Phương đã xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, hạnh phúc. Trong thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng. Trưởng thôn Giàng Lử bảo, mặc dù là hộ nghèo nhưng mức sống đã nâng cao, đều có xe máy, ti vi, tủ lạnh.

Từ 24 hộ dân ban đầu, đến nay thôn Cốc Phương đã có 50 hộ, trong đó có 1 hộ là người Kinh, còn lại là người Mông. Xuất phát điểm khó khăn, nhờ cần cù lao động, người dân thôn Cốc Phương đã xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, hạnh phúc. Trong thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng.
Con em địa phương được quan tâm học tập, nhiều người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này đã trở thành giáo viên, cán bộ xã, thôn, tiếp tục góp sức vào công cuộc dựng xây quê hương. Cốc Phương giờ đã là bản làng xinh đẹp, người dân định cư bám dọc theo tuyến Tỉnh lộ 154 thảm nhựa thênh thang. Những ngôi nhà quay ra đường, ngay cạnh con suối là biên giới tự nhiên với nước bạn Trung Quốc. Cư dân hai bên sống hòa hảo, cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước hai bên. Nhân dân trong thôn tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Trong làn nắng ửng bóng xuân sang, mùa dứa ngọt đang vẫy gọi trên khắp các nương đồi chờ bàn tay người dân thu hái. Thỉnh thoảng, trên Tỉnh lộ 154 - đoạn qua thôn Cốc Phương, tôi gặp những chiếc xe tải của thương lái chờ sẵn, những thanh niên trai tráng gương mặt tươi vui điều khiển xe máy chở nặng dứa. Những trái dứa của Cốc Phương được xếp ngay ngắn lên thùng xe sẽ tỏa đi khắp cả nước, mang lại cuộc sống no đủ cho người dân bản địa. Cốc Phương đã, đang và sẽ tiếp tục đổi thay mạnh mẽ, góp phần củng cố vững vàng một dải biên cương thân yêu của Tổ quốc.