Ngày 5/2, tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án). Đề án này được xem là bước ngoặt quan trọng đối với ngành hàng lúa gạo ĐBSCL cũng như cả nước trước thềm năm mới.
Kỳ vọng của hàng triệu nông dân
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt vấn đề: "Nếu không có Đề án thì ngành hàng lúa gạo đất "chín rồng" sẽ ra sao? Chúng ta sẽ nói gì với nông dân? Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa - Vì người tiêu dùng - Vì môi trường xanh luôn là mối quan tâm xuyên suốt của Đề án. Để triển khai Đề án một cách hiệu quả, đồng bộ cần nhất quán về mục tiêu, đồng thuận trong hành động".
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, bên cạnh các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng, Đề án còn hướng tới việc chuyển đổi theo tư duy kinh tế nông nghiệp, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; chuẩn hóa mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, Đề án đặt mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng, hướng tới khắc phục tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL.
Ngành lúa gạo Việt Nam mang kỳ vọng lớn với Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chuyên canh.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, các viện nghiên cứu và các địa phương đều đánh giá Đề án là luồng gió mới, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu nông dân, mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết tỉnh Kiên Giang thống nhất cao với việc triển khai thực hiện Đề án. Với trách nhiệm của địa phương, tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai nhằm mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn tỉnh đạt 100.000 ha, đến năm 2030 đạt 200.000 ha trở lên. Riêng năm 2024, Kiên Giang thực hiện 60.000 ha. "Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư của doanh nghiệp, hỗ trợ và phát triển các HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững; ưu tiên bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai đề án trong năm 2024 và những năm tiếp theo" - ông Lê Quốc Anh nói.
"Cuộc chơi lớn" đầy thách thức
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao, các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh Đề án là "cuộc chơi lớn", để đạt được mục tiêu đề ra cần phải vượt qua được 4 cái khó và ghi nhớ nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát. "Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong ứng xử với nó; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu" - Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng nông dân có thái độ hết lòng với Đề án này. Hết lòng là phải dốc tâm sức và trách nhiệm với Đề án này, từng bước thúc đẩy từng nông dân hết lòng với nó. Tuân thủ là phải thực hiện theo kế hoạch, nếu không tuân thủ sẽ thất bại. Tuy nhiên, tuân thủ trong nguyên tắc nhưng phải linh hoạt trong ứng xử theo từng vùng, từng địa phương, từng điều kiện khí hậu. Các doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ, đồng thời phải có sự kiểm soát để không lệch đường, lệch hướng; phải có sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện.
"Chưa bao giờ chúng ta nhắc đến hạt gạo Việt Nam với niềm tự hào như bây giờ. Giá trị và uy tín gạo Việt Nam hiện tại rất cao trên thị trường thế giới. Ngoài ra, chúng ta không chỉ bảo đảm an ninh lương thực cho mình mà cho thế giới" - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Cần doanh nghiệp hợp tác xuất khẩu
Cũng như đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thống nhất cao với Đề án, đồng thời nêu những trăn trở cần khắc phục là các doanh nghiệp phải hợp tác để giữ vững giá trị lúa gạo Việt Nam. "Trường hợp doanh nghiệp trúng thầu 300.000 tấn gạo xuất sang Indonesia mới đây thật sự không phải là tin tốt với ngành nông nghiệp ĐBSCL cũng như nông dân. Trong thương vụ này, đối tác đã gặp riêng từng doanh nghiệp và chọn người bán giá thấp nhất. Điều này không những làm gạo của ta mất giá trị mà ảnh hưởng đến giá bán của nông dân" - ông Thiện trăn trở.