Cơ hội để "du lịch hoa" trở thành thương hiệu

Những năm gần đây, trào lưu du lịch theo các mùa hoa đang ngày càng phát triển mạnh. Hà Nội nổi tiếng với cúc họa mi tinh khôi, những vườn đào thắm sắc; Mộc Châu (Sơn La) được mùa du lịch nhờ hoa mận; Hà Giang là điểm đến của khách “săn” hoa tam giác mạch; Đà Lạt (Lâm Đồng) là thiên đường mai anh đào,… Đây là cơ hội để các tỉnh, thành phố tạo thêm sản phẩm du lịch theo mùa hoa hấp dẫn; song cần triển khai những giải pháp bền vững.

Mùa hoa cải ở cao nguyên Mộc Châu.
Mùa hoa cải ở cao nguyên Mộc Châu.

Những ngày tháng 3, tại các xã vùng biên ở Quản Bạ (Hà Giang), hoa đào nở muộn vẫn khoe sắc hồng rực rỡ; còn hoa lê nhuộm trắng những cung đường, những thung lũng, những bản làng nằm lẫn núi đá lô xô…

Sức hút từ những mùa hoa

Trong tiết xuân ấm tháng 3, liền một lúc, Hà Giang tổ chức hai lễ hội hoa: Lễ hội hoa đào với chủ đề “Lung linh sắc đào-Xuân về biên cương” tại vườn đào nở muộn xã Cao Mã Pờ (huyện Quản Bạ); Lễ hội hoa lê với chủ đề “Mùa xuân ngày hội biên cương” tại thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn). Hiện tại, Ban Tổ chức đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để đón các vị khách trong nước và quốc tế đến du xuân, thưởng hoa.

Từ Hà Nội đến Hà Giang thăm cao nguyên đá và hào hứng khi ngắm những bông hoa lê trắng muốt bung ra từ những cành cây xù xì, mốc thếch, chị Nguyễn Thu Hòa cho biết: “Được biết Hà Giang nổi tiếng với hoa tam giác mạch, mọi khi, chúng tôi thường e ngại khi đi du lịch Hà Giang vào đầu năm vì sợ thời tiết ẩm ướt, nhưng khi nghe nói cao nguyên đá còn có hoa lê rất đẹp, chúng tôi đã thử một lịch trình mới. Tôi thấy du lịch Hà Giang mùa này cũng rất thú vị, các loài hoa phủ khắp các triền núi, thung lũng”.

Dù hoa mận đang vào cuối mùa, nhưng khách du lịch vẫn đổ lên ngắm hoa trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), nhất là vào dịp cuối tuần. Còn vào dịp tháng 2, nhiều thời điểm, các khách sạn, homestay ở Mộc Châu rơi vào tình trạng quá tải. Với hơn 3.000 ha mận, có lẽ Mộc Châu là một trong những địa bàn có nhiều hoa mận nhất nước ta.

Sau một mùa đông rét buốt, khi bước sang mùa xuân, những vườn mận nở trắng núi rừng tạo nên một khung cảnh như trong cổ tích. Thung lũng mận Nà Ka nằm gần thị trấn Mộc Châu là nơi được nhiều khách du lịch tìm đến. Sáng xuân sớm, đất trời sương khói khiến khung cảnh càng trở nên huyền ảo. Ngoài một số địa điểm chính, hoa mận còn xuất hiện khắp các cung đường, tạo nên những khung cảnh ấn tượng.

Theo đánh giá của nhiều người, năm 2025 là năm hoa mận nở đẹp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi hoa mận đang ở cuối mùa thì Sơn La bắt đầu đón một đặc sản mới: Mùa hoa ban. Hoa ban bắt đầu nở trắng trên các sườn núi, cũng là thời điểm nhiều lễ hội được diễn ra. Nổi bật nhất là Lễ hội hoa ban thành phố Sơn La.

Tại đây, ngoài ngắm hoa ban, khách du lịch còn được trải nghiệm nhiều nét đẹp văn hoá các dân tộc thiểu số, thưởng thức các màn trình diễn trong cuộc thi “Người đẹp Hoa Ban” và các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc, thi ẩm thực dân tộc, thưởng thức các sản vật núi rừng...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sơn La Trần Công Chính cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, cơ sở xã, phường để sẵn sàng các hoạt động đón khách du lịch trong và ngoài nước. Đây không chỉ là dịp để giới thiệu về vẻ đẹp hoa ban, mà còn là dịp quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, cảnh quan thiên nhiên, giá trị ẩm thực… của thành phố nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung”.

Nhắc đến du lịch những mùa hoa không thể không nói đến Hà Nội. Điểm khác biệt là những mùa hoa của Hà Nội được trồng, chăm sóc bởi bàn tay con người cho nên mang vẻ đẹp riêng. Tháng 3, hoa sưa nở trắng nhiều tuyến phố và hoa loa kèn - loài hoa tháng 4 - đã nhuộm trắng những khu vườn hay theo những gánh hàng rong xuống phố. Hoa ban tuy định cư ở Hà Nội chưa lâu, nhưng cũng trở thành một đặc sản thu hút du lịch. Tất nhiên, nói đến Hà Nội không thể không nói đến mùa hoa sữa, mùa hoa cúc hoạ mi, những đầm sen bát ngát hay những vườn đào sắc hồng mênh mang...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: “Hà Nội có lợi thế với nhiều loài hoa, nhiều vùng trồng hoa, nhiều phố hoa… tạo nên những khung cảnh đẹp, hấp dẫn du khách cả ở nội thành và ngoại thành. Hiện tại nhiều địa phương như: Huyện Mê Linh, huyện Ba Vì, quận Tây Hồ… đã khai thác, phát triển du lịch theo mùa hoa đạt kết quả tốt. Thời gian tới, ngành du lịch tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để khai thác du lịch các mùa hoa gắn kết với những hoạt động, sản phẩm du lịch khác để tạo hiệu quả cao hơn”.

Cần sự chung tay của nhiều ngành

Chỉ khoảng 10 năm trước đây, du lịch theo các mùa hoa còn khá xa lạ thì với sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, những địa phương có những loài hoa đặc trưng được “lên sóng” rất nhanh. Du lịch theo các mùa hoa từ đó phát triển mạnh mẽ.

Điển hình trong đó phải kể đến Hà Giang. Tam giác mạch vốn là cây lương thực, nhưng khi nhiều bạn trẻ lên Hà Giang và đăng tải hình ảnh hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá lên mạng xã hội đã làm hình thành trào lưu mạnh mẽ, du lịch mùa hoa tam giác mạch.

Tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách quy hoạch vùng trồng hoa; hỗ trợ người dân giống hoa; tổ chức lễ hội… Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm tỉnh hỗ trợ giống cho người dân trồng hoa tam giác mạch với diện tích khoảng 400 ha.

Diện tích trồng hoa được quy hoạch tại những địa điểm đẹp như: Điểm dừng chân cổng trời, khối đá Thạch Sơn Thần (huyện Quản Bạ); dọc tuyến đường đến các xã Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Cú (huyện Đồng Văn); làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (Mèo Vạc)…

Ngoài hoa tam giác mạch, tỉnh Hà Giang còn mở rộng các sản phẩm du lịch mùa hoa ngày càng phong phú với hoa mai anh đào, hoa đào, hoa mơ, hoa mận vào mùa xuân; hoa đỗ quyên trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên); hoa mộc miên (huyện Mèo Vạc)...

Du lịch hoa vốn là truyền thống của Hà Nội với nhiều vùng trồng hoa, làng hoa, phố hoa. Để thúc đẩy du lịch gắn với ngắm hoa, hướng đến cung cấp những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, Hà Nội đã quy hoạch những vùng trồng hoa, đồng thời trồng những loài hoa đặc trưng cho các tuyến phố, tập huấn nông dân trồng hoa làm du lịch, tổ chức các sự kiện quảng bá vẻ đẹp của hoa…

Nhiều hoạt động đã trở thành thường niên như: Festival hoa Mê Linh, Lễ hội sen Tây Hồ, Lễ hội hoa đào, quất cảnh ở Nhật Tân, Tứ Liên… Riêng đối với hoa sen, Hà Nội đang nỗ lực khôi phục, mở rộng diện tích trồng sen bách diệp - giống sen quý của hồ Tây tại khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; đồng thời, phát triển hàng chục sản phẩm từ sen mà nổi bật nhất là trà sen, lụa tơ sen.

Hà Nội dự kiến nâng diện tích trồng sen từ 600 ha hiện nay lên 900 ha trong thời gian tới, với sự kết hợp chặt chẽ giữa khai thác sản phẩm từ nông nghiệp với hoạt động du lịch. Hiện nay, những vườn hoa ở Mê Linh, những đồi hoa dã quỳ ở Ba Vì, những đầm sen ở Mỹ Đức hay những vườn đào ở Nhật Tân, thung lũng hoa hồ Tây, Bãi đá sông Hồng (đều thuộc quận Tây Hồ)… đều đã được khai thác trong những tour du lịch chuyên biệt về hoa. Ngành du lịch Hà Nội tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương để xây dựng thương hiệu du lịch “Hà Nội 12 mùa hoa”, với mỗi tháng là một loài hoa đặc trưng.

Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La Trần Xuân Việt, chia sẻ: “Du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm các loại hoa hay tổ chức các lễ hội gắn với loài hoa đang góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và nâng tầm thương hiệu du lịch Sơn La. Chúng tôi tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát triển các dịch vụ gắn với các loài hoa phù hợp với các điều kiện tự nhiên, văn hóa tại các khu, điểm du lịch để tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương”.

Việc các địa phương quan tâm đến trồng, quy hoạch các loài hoa phục vụ cho du lịch là tín hiệu tích cực với “du lịch hoa”. Mặc dù vậy, để du lịch theo mùa hoa trở thành nhóm ngành du lịch, phát huy tối đa tiềm năng thì còn nhiều việc phải làm. Trên thế giới, du lịch ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản luôn là cơn sốt; du lịch mùa lá vàng ở Hàn Quốc cũng thu hút khách du lịch không kém, đây là kinh nghiệm mà Việt Nam cần học hỏi.

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, nhiều quốc gia đã biến những mùa hoa, mùa thay lá thành thương hiệu du lịch mạnh, thu hút đông đảo du khách. Những quốc gia này đều có chiến lược trồng cây theo khu vực và cung cấp các dịch vụ cho khách trải nghiệm, ngắm, chụp ảnh với hoa một cách chuyên nghiệp.

Trong khi đó, du lịch hoa Việt Nam vẫn còn mang tính thời vụ và cần khắc phục nhược điểm này. Còn theo Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, khi phát triển du lịch theo mùa hoa, các địa phương cần quan tâm, bảo đảm việc khai thác, phát triển không ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan và cần phát triển thêm các tour trải nghiệm văn hóa các địa phương để phát triển du lịch theo các mùa hoa một cách bền vững.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa lãng mạn trong sắc hoa tầm xuân.

[Ảnh] Sa Pa dịu dàng sắc hoa tầm xuân

Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành, là thiên đường của các loài hoa đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, có lẽ loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc nhất ở nơi đây chính là tầm xuân (hồng leo). Mùa này, bất cứ nơi đâu hay bất cứ con đường nào ở Sa Pa cũng rực rỡ sắc hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân góp phần làm đẹp cảnh quan Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Sáng 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với Công ty TNHH Bảo tồn rừng và Du lịch sinh thái Evergreen và Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái bảo tồn rừng.

Tả Gì Thàng - làng đẹp trong mây

Tả Gì Thàng - làng đẹp trong mây

Trong những xã vùng cao, biên giới của huyện Bát Xát, Y Tý là xã xa xôi nhất nhưng lại được ví như “viên ngọc” quý bởi bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, hùng vĩ và bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc. Ở Y Tý có thôn Tả Gì Thàng - làng nhỏ bình yên, phong cảnh đẹp được ví như trong truyện cổ tích. Từ lâu, đồng bào Hà Nhì nơi đây luôn trân trọng, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, không để mai một theo năm tháng.

Du lịch Việt - nâng cao sức hút để bứt phá

Du lịch Việt - nâng cao sức hút để bứt phá

Những kết quả khởi sắc của ngành du lịch trong những tháng đầu năm 2025, cùng với việc triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số đã và đang tạo đà cho du lịch Việt Nam bứt phá. 

Du lịch Việt Nam: “Bùng nổ” lượng khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Du lịch Việt Nam: “Bùng nổ” lượng khách trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ghi nhận các điểm du lịch trên cả nước đón lượng khách đông, nhiều nơi kín khách đặt phòng. Các điểm du lịch ven biển như: Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Vũng Tàu (Bà Rịa = Vũng Tàu)… ghi nhận lượng khách “bùng nổ” cùng nhiều hoạt động sôi động.

Sức hấp dẫn từ du lịch bản làng

Sức hấp dẫn từ du lịch bản làng

Bên cạnh khu trung tâm thành phố hay thị xã, thị trấn sầm uất thì những bản làng yên bình với thiên nhiên trong lành và nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc như: Tả Van, Lao Chải, Tả Phìn (Sa Pa) hay Y Tý (Bát Xát) cũng là lựa chọn lý tưởng dành cho du khách.

[Infographic] Khám phá Bắc Hà

[Infographic] Khám phá Bắc Hà

Dịp lễ này, du khách hãy đến Bắc Hà - nơi mỗi bước chân là một trải nghiệm khó quên. Du  khách có thể ghé thăm dinh thự Hoàng A Tưởng trăm năm tuổi, rảo bước giữa chợ phiên rực rỡ sắc màu, đắm mình trong vườn hồng km7 lãng mạn, trại rau quả xanh mát và những bản làng dân tộc Mông, Dao đậm đà bản sắc. Bắc Hà không chỉ là chuyến đi, mà là hành trình đánh thức cảm xúc, lưu dấu kỷ niệm và truyền cảm hứng từ thiên nhiên thuần khiết cùng con người mến khách vùng cao.

Du lịch ẩm thực, "đòn bẩy" phát triển du lịch Huế

Du lịch ẩm thực, "đòn bẩy" phát triển du lịch Huế

Xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” là bước đi chiến lược nhằm quảng bá du lịch Huế thông qua việc tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực đặc sắc của địa phương. Việc định vị này không chỉ tạo ra diện mạo mới hấp dẫn cho du lịch Huế mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai bùng nổ dịp lễ

Du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai bùng nổ dịp lễ

Kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày (30/4 - 4/5), đây là dịp lý tưởng để du khách lựa chọn các chuyến du lịch nước ngoài ngắn ngày. Tại Lào Cai, hoạt động du lịch qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Các tour du lịch quốc tế, đặc biệt là đến Trung Quốc đang thu hút đông du khách.

fb yt zl tw