Chuyện người dẫn lối

LCĐT - Nhắc đến du lịch chinh phục đỉnh cao và nhìn lại chặng đường hình thành, phát triển du lịch Sa Pa không thể không kể đến những người dân bản địa làm nghề dẫn lối, họ là những porter đầu tiên dẫn khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan.

Chuyện người dẫn lối ảnh 1
Ông Má A Chơ và niềm vui được mùa thảo quả.

Ông Má A Chơ cùng gia đình an cư ngay cổng vào điểm du lịch Cát Cát. Nhiều người biết đến ông là chủ của một căn nhà gỗ lớn, sở hữu nương thảo quả rộng mênh mông, nhưng ít người trẻ biết rằng, ông là người đầu tiên dẫn khách du lịch chinh phục đỉnh Fansipan. Những năm 1983 - 1984, khi đó Má A Chơ mới 13 - 14 tuổi đã theo cha là Má A Máo leo lên độ cao khoảng 2.800 m của dãy Hoàng Liên Sơn để làm nương thảo quả, nên rất thông thạo cung đường từ bản Cát Cát lên độ cao 2.800 m. Năm 1988, qua giới thiệu, một đoàn khách người Nga kết nối với ông, muốn nhờ ông dẫn đường lên đỉnh Fansipan.

3 ngày, 2 đêm, Má A Chơ cùng đi với đoàn khách nước ngoài, trên vai vác theo đồ ăn, nước uống và lều ngủ cho khách. Để chinh phục được đỉnh Fansipan là cả hành trình khó khăn, càng lên cao, đường đi càng hiểm trở, ông phải cầm theo con dao, vừa đi trước vừa dò đường, rồi chặt cành cây làm dấu để không bị lạc. Lần đầu đứng trên đỉnh Fansipan khi mới 18 tuổi, Má A Chơ cảm thấy rất lạ kỳ, tự hào và vui mừng.

Phải tới 2 năm sau đó, ông mới có đoàn khách thứ 2 tìm đến, lúc này, cung đường lên đỉnh Fansipan được mở rộng thêm. Sau tái lập tỉnh 1 năm, từ năm 1992 trở đi, du lịch Sa Pa bắt đầu được nhiều người chú ý. Ông đã kết nối với các đơn vị kinh doanh du lịch để có thêm nhiều khách. Mỗi chuyến dẫn đường, các công ty trả cho ông từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày.

Dẫn khách tour cho các công ty du lịch gần 10 năm, đến năm 2010, khi du lịch Sa Pa ngày càng phát triển, ông Chơ quyết định tự mình nhận khách và dẫn tour. Du khách biết và tìm đến ông ngày càng đông, hầu như tuần nào cũng có khách leo núi, thu nhập tăng, ông kêu gọi cả anh em và các con trong gia đình cùng tham gia làm porter.

Trong số hàng trăm chuyến leo núi dẫn khách, mỗi chuyến đi là một câu chuyện, nhưng đáng nhớ nhất là những lần gặp mưa to, gió lớn. Đã rất nhiều lần ông cùng du khách co ro trong rừng sâu vì lạnh, vì mưa… Hầu hết ông cho khách dừng ở độ cao khoảng 2.100 m - 2.200 m nghỉ ngơi, giữ sức, hôm sau tiếp tục lên đường chinh phục đỉnh cao nhất. Năm 2007, ông nhận đưa một đoàn khách du lịch lên đỉnh Fansipan, dù cả đoàn đã leo được đến độ cao 2.800 m nhưng bỗng có thông báo phải quay lại do dự báo có đợt mưa tuyết lớn. Ông Chơ chia sẻ: Ngày trước, chúng tôi dẫn khách theo cảm tính chứ không theo dõi dự báo thời tiết chính xác như bây giờ, cứ tùy cơ ứng biến với các tình huống. Đi leo núi ngại nhất là gặp mưa, bão, mình quen rồi có thể chịu được, rất nhiều khách sức khỏe không tốt, cũng hoang mang, lo sợ.

Khi công việc dẫn đường thuận lợi, những người làm porter ở Sa Pa ngày càng nhiều hơn. Ông Chơ cho biết thêm: Bố tôi là người dẫn đoàn khảo sát đỉnh Fansipan, còn dẫn khách du lịch thì tôi là người đầu tiên, sau đó có ông Lù A Tủa, rồi tiếp đó thêm nhiều người làm nghề này. 3 con trai của tôi và con ông Tủa cũng dẫn khách leo núi. Ở bản này, tìm người biết đi rừng không khó vì hầu như thanh niên đều đi làm nương thảo quả nên hầu như gia đình nào cũng có vài đời đưa khách lên đỉnh Fansipan.

Năm 2016, cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, lượng khách leo núi giảm mạnh, số đoàn tìm đến ông dẫn đường chỉ còn lác đác. Ông đầu tư mở một homestay ngay chân núi, dưới đường cáp treo đi qua. Tại nơi bắt đầu bước chân vào làm du lịch, căn nhà sàn khang trang có sức chứa khoảng 50 du khách mùa nào cũng thơm hương thảo quả. Ông Chơ cho biết, dù bây giờ ít dẫn khách, nhưng ông vẫn có thói quen leo núi. Gia đình ông có hơn 3 ha thảo quả dọc tuyến đường lên đỉnh Fansipan, mỗi năm thu được hơn 1 tấn thảo quả nên ông vẫn thường xuyên đi phát nương, thăm nương trên tuyến đường trước đó từng dẫn khách.

Ngày nay, du khách có nhiều sự lựa chọn để thỏa mãn ước muốn chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”. Thế nhưng, nói đến du lịch Sa Pa hay du lịch chinh phục đỉnh Fansipan thì câu chuyện về những người đầu tiên mở lối dẫn khách sẽ còn được nhắc tới rất nhiều.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Công điện về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp

Công điện về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp

Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 58/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đầu cấp giáo dục phổ thông năm 2025.

Hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng giúp người dân Bảo Thắng, Bắc Hà khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi)

Hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng giúp người dân Bảo Thắng, Bắc Hà khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi)

Triển khai Dự án “Hỗ trợ cấp phát tiền mặt đa mục đích cho người dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão” do Quỹ Coca-Cola viện trợ không hoàn lại, 503 hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng và Bắc Hà đã được hỗ trợ tiền mặt để khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống.

[Infographic] Một số chế độ đối với học sinh bán trú, nội trú

[Infographic] Một số chế độ đối với học sinh bán trú, nội trú

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 43/2025/QĐ-UBND ngày 29/4/2025 quy định cụ thể về khoảng cách, địa bàn làm căn cứ xác định học sinh, học viên không thể đi đến trường và trở về trong ngày; danh mục trang cấp đồ dùng cá nhân, học phẩm cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

fb yt zl tw