Chuyển đổi số (CĐS) nếu nói đơn giản thì gồm số hoá và chuyển đổi. Số hoá là số hoá toàn diện, là chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, chuyển toàn bộ thế giới thực thành bản sao số, từ đó hình thành không gian sống mới - không gian số, và sinh ra tài nguyên mới khổng lồ và vô vàn là dữ liệu. Chuyển đổi là thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức vận hành, hoạt động trên không gian số thông qua sử dụng công nghệ số (CNS), nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), là xử lý dữ liệu để sinh ra giá trị mới. CĐS vì vậy lớn hơn nội hàm một cuộc CMCN.
Chuyển đổi số thì chuyển đổi là chính, chuyển đổi là 70, công nghệ là 30. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế, về thay đổi nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.
Ngày CĐS Quốc gia được công bố năm 2022 và năm nay là năm thứ 3. Ngày này là ngày hội CĐS của nhân dân, của tất cả các cấp chính quyền. Ngày CĐS quốc gia để nâng cao nhận thức và hành động của chính quyền và người dân. Để CĐS Việt Nam thực sự trở thành toàn dân và toàn diện.
Năm nay là năm chúng ta sẽ đánh giá kết quả CĐS ở tuyến cuối cùng. CĐS lấy người dân là trung tâm thì phải xem họ được hưởng lợi gì từ CĐS.
Tổ Công nghệ số cộng đồng lấy ý tưởng từ tổ COVID cộng đồng. Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng đối tượng. Đây là mô hình sáng tạo và hiệu quả, chỉ riêng có ở Việt Nam. Được thành lập từ năm 2022, đến nay đã có 93.500 tổ CNS cộng đồng với 458.000 thành viên. Đây là một lực lượng hùng hậu để CĐS Việt Nam thực sự là một cuộc cách mạng toàn dân.
Tổ công nghệ số cộng đồng là một lực lượng hùng hậu để chuyển đổi số Việt Nam thực sự là một cuộc cách mạng toàn dân. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết các mô hình thành công về CĐS cấp bộ ngành, về DVCTT, về trung tâm điều hành thông minh, để từ đó nhân rộng, phổ cập ra toàn quốc. Chỉ khi phổ cập thì chúng ta mới gặt hái được thành công của CĐS. Và đã đến lúc như vậy. Nếu như trước đây chúng ta tập trung vào thí điểm thì nay chuyển trọng tâm vào phổ cập cái đã thí điểm thành công.
CĐS Việt Nam đã sang năm thứ 5. Với phát biểu về CĐS của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào đúng ngày lập nước 2/9/2024, thì CĐS Việt Nam đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân ta. Chỉ khi CĐS trở thành sự nghiệp, thành công việc hằng ngày của toàn Đảng, toàn dân thì giá trị của CĐS mang lại cho đất nước mới thực sự là to lớn. Chỉ khi đó, CĐS mới là động lực chính cho phát triển.
Có thể coi 4 năm qua là khởi động, là thí điểm, là thành công bước đầu ở một số lĩnh vực, là hình thành lý luận và cách làm CĐS Việt Nam. Và năm thứ 5 này, nó đã thực sự trở thành sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. CĐS trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và vì vậy, cần có đột phá chiến lược cho CĐS để CĐS góp phần quan trọng vào hoàn thành 2 mục tiêu trăm năm. Đó là đột phá về thể chế số, hạ tầng số, dữ liệu số và cán bộ số. Cán bộ số thì đầu tiên là người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng. Kết quả CĐS của các đơn vị là tiêu chí đánh giá cán bộ, người đứng đầu.
Cán bộ số thì đầu tiên là người đứng đầu, phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm và thành thạo sử dụng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Năm nay là năm thứ 3 liên tiếp, Thủ tướng trực tiếp dự và chỉ đạo Ngày CĐS quốc gia. CĐS Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ từ khi ban hành Chương trình CĐS quốc gia năm 2020 và đặc biệt quyết liệt là từ khi thành lập UBQG về CĐS do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch năm 2021.
Năm nay, Chính phủ đã đối thoại trực tiếp với những người làm CĐS ở tuyến cuối, đó là các thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng. Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu chỉ đạo về CĐS trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.