Ngày kỷ niệm này nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xung quanh các vấn đề về hạn hán, sa mạc hóa; khuyến khích thực hiện Công ước chống sa mạc hóa tại các quốc gia bị tác động nghiêm trọng bởi hạn hán và sa mạc hóa.
Xác định, hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến an ninh sinh thái của hành tinh, xóa đói giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và phát triển bền vững. Năm 2024, chủ đề của Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán là: Chung tay quản lý đất bền vững - Di sản của chúng ta, tương lai của chúng ta.
Vấn đề toàn cầu
Diễn biến ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu thời gian qua cho thấy mức độ nguy hại của hạn hán, dẫn tới sa mạc hóa trong nhiều khu vực trên trái đất. Liên hợp quốc đã từng cảnh báo, quá trình sa mạc hóa là điển hình cho một trong số những "thách thức môi trường lớn nhất trong thời đại của chúng ta". Sa mạc hóa ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là môi trường và sinh kế của người dân, dẫn đến hậu quả làm mất các thảm thực vật. Sa mạc hóa khiến đồng bằng bị ngập lũ, đất bị xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của các sông, hồ. Khoảng 50 triệu người có thể phải di dời trong vòng 10 năm tới do sa mạc hóa.
Theo Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, hạn hán là suy thoái đất trong các khu vực khô hạn, bán khô hạn và vùng ẩm nửa khô hạn. Trong những năm gần đây, hạn hán xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Hạn hán bắt nguồn từ biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm hiện tượng sa mạc hóa. Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.
Cộng đồng quốc tế đánh giá hạn hán và sa mạc hóa là vấn đề rộng, liên quan tới cả 3 lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Hạn hán và sa mạc hóa được xem là thảm họa của thiên nhiên, gây ra nhiều tác động tiêu cực tới đời sống con người.
Tổ chức Y tế thế giới cũng đưa ra cảnh báo, hạn hán đang gây ảnh hưởng đến gần 56 triệu người trên toàn cầu, 40% dân số bị khan hiếm nước, khoảng 700 triệu người có nguy cơ phải di cư vào năm 2030 do hạn hán. Hạn hán là mối nguy hại nghiêm trọng với gia súc và cây trồng; là một trong những nguyên nhân gây ra 80 - 90% các thảm họa thiên nhiên được ghi nhận trong 10 năm qua.
Sa mạc hóa là giai đoạn cuối của suy thoái đất. Gần 3/4 diện tích đất không có băng của hành tinh đã bị suy thoái do các hoạt động của con người để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm, nguyên liệu thô, giao thông và nhà ở.
Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi hạn hán, thoái hóa đất và cồn cát di động theo mùa gió. Theo kết quả điều tra, đánh giá đất đai cả nước, các vùng kinh tế - xã hội năm 2021 (Quyết định số 1432/QĐ-BTNMT) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam có tổng diện tích đất bị thoái hóa gần 12 triệu ha, chiếm khoảng 35,74% tổng diện tích tự nhiên của cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 400 ha sa mạc tự nhiên. Việt Nam không phải quốc gia trọng điểm về sa mạc hóa nhưng suy thoái đất đã và đang diễn ra âm thầm. Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thực trạng này. Việt Nam xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước với khoảng 419.000ha.
Trong gần 40 năm qua, sự di chuyển của các đụn cát đã làm cho quá trình hoang mạc hóa càng diễn ra nghiêm trọng hơn. Mỗi năm có khoảng 10 - 20 ha đất canh tác bị cát lấn, dẫn đến độ phì nhiêu của đất bị suy giảm mạnh.
Hành động của Việt Nam
Công ước chống sa mạc hóa nhận định rõ: Sa mạc hóa là vấn đề có quy mô toàn cầu ảnh hưởng đến mọi vùng trên trái đất. Vì vậy cộng đồng thế giới cần phải có hành động chung để chống sa mạc hóa.
Nhận thức rõ vấn đề và cùng chung trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã ký tham gia, trở thành thành viên thứ 134 của Công ước từ rất sớm (ngày 19/8/1998). Việt Nam luôn nỗ lực cam kết thực hiện Khung hành động của Công ước cũng như trách nhiệm nước thành viên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020. Chương trình đã thực hiện được một số nội dung: hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa; điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam…
Cục Lâm nghiệp (trước đây là Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia; Điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và Đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030.
Bảo vệ và phát triển rừng là cách phòng, chống sa mạc hóa, hạn hán hiệu quả cũng như hạn chế tốc độ suy thoái đất, đẩy nhanh quá trình phục hồi đất. Việt Nam đã thực hiện thành công Chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc (Chương trình 327), Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) với mục tiêu là tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng lợi từ rừng, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường. Qua đó góp phần đưa Việt Nam từ “đáy” về tỷ lệ che phủ rừng vào năm 1993 (27,8%) lên 42% hiện nay, trong khi trung bình của thế giới là 31%.
Nối tiếp thành công này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu huy động các lực lượng trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở đô thị và nông thôn, cùng hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung. Triển khai dự án, đến nay, cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây xanh, đạt 121% so với kế hoạch.
Năm 2023 một dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới trị giá gần 1.200 tỷ đồng. Sự kiện cho thấy trong công cuộc phòng chống sa mạc hóa, Việt Nam đã từng bước đạt được kết quả “kép” vừa chống suy thoái đất, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất.
Việt Nam đang tập trung “về đích” Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Chương trình là bảo vệ và phát triển bền vững đối với toàn bộ diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 29/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 24/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP điều chỉnh một số mức đầu tư, hỗ trợ một số hoạt động về bảo vệ và phát triển rừng.
Theo ông Phạm Hồng Lượng, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Quyết định 208 và Nghị định 58 tạo nguồn lực bền vững cho người dân tham gia giữ rừng, giải quyết sinh kế cho người dân; đồng thời phát huy đa giá trị của hệ sinh thái rừng trong phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm thiên nhiên, giáo dục môi trường…