Chủ động phòng, chống dịch bệnh khi thời tiết giao mùa

Thời tiết Đông Xuân ở miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp nói chung và cúm mùa nói riêng phát triển.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Cùng với đó, thời điểm hiện tại đang là mùa lễ hội, nhu cầu đi lại du Xuân đầu năm của người dân lớn, tạo nên nhiều khu vực tập trung đông người, kèm theo các dịch vụ vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi...; trong thời tiết nồm ẩm sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: cúm, sởi, ho gà, rubella, tiêu chảy… Do đó, người dân cần có những biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.

Ghi nhận trong thời gian gần đây, số bệnh nhân nhập viện do mắc cúm A tăng cao. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm, khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng điều trị khó khăn. Các bệnh nhân này phần lớn là người già có hệ miễn dịch lão hóa, mắc nhiều bệnh lý nền và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém.

Mới đây, Hệ thống Y tế Medlatec ghi nhận 3 trẻ trong một gia đình ở Hà Nội nhiễm cúm A, trong đó 2 trẻ có diễn biến nặng với biến chứng viêm phổi, phải nhập viện để điều trị. Cả 3 bệnh nhi đến khám với các triệu chứng: sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, ho khan nhiều, đau tức ngực trái và có nhiều dịch mũi. Test nhanh, 3 trẻ đều có kết quả dương tính với cúm A. Trong đó, 2 bé gái nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi. Bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tình trạng người già nhập viện do mắc cúm và tự điều trị tại nhà, khi trở nặng mới đến bệnh viện cũng xuất hiện khá nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm và cho rằng đây chỉ là bệnh nhẹ nên không đi khám sớm. Tuy nhiên, đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hằng năm, thường vào mùa Đông - Xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D; trong đó virus cúm A và B là 2 chủng virus chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa, cũng như các trường hợp tản phát và đợt bùng phát ngoài mùa cúm.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh gồm: đau đầu, sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ khớp và nói chung là cảm giác khó chịu. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Những biểu hiện nghiêm trọng này có thể do bản thân virus cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus khác xảy ra sau nhiễm cúm, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể.

Trước tình hình bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng, thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp sốt, nghi nhiễm cúm trên địa bàn, giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

Để chủ động phòng ngừa cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: đảm bảo vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang thường xuyên, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, thực hiện lối sống lành mạnh; ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao thể trạng.

Người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc; tiêm vaccine chủ động phòng bệnh cúm mùa, là biện pháp dự phòng hiệu quả.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã có công văn số 471/SYT-NVY gửi các bệnh viện trong và ngoài công lập tại địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã về việc tăng cường hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài.

Trong đó, bên cạnh việc phổ biến Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cho cộng đồng và người lao động, các cơ sở y tế tại Hà Nội cần rà soát, đảm bảo bố trí đầy đủ cơ số thuốc cấp cứu, đủ giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp; tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm phòng, chống rét cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo quy định...

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngày tết, cẩn trọng với thực phẩm có đường

Ngày tết, cẩn trọng với thực phẩm có đường

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh Dưỡng-Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, việc mọi người ăn nhiều thực phẩm có đường dịp Tết sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe. 

Mang Tết ấm áp đến cho người bệnh

Mang Tết ấm áp đến cho người bệnh

Trong ngày cuối năm, khi người người, nhà nhà đoàn viên cùng nhau trang trí nhà cửa đón Tết, quây quần bên mâm cơm tất niên thì còn rất nhiều người bệnh đang phải điều trị tại bệnh viện. Chia sẻ với thiệt thòi, khó khăn của người bệnh, người nhà bệnh nhân, hoạt động trao quà, thăm hỏi đã được nhân lên. Những món quà nghĩa tình, những lời động viên, chúc mừng năm mới đã xoa dịu nỗi đau, chia sẻ khó khăn với người bệnh, giúp họ có cái Tết đủ đầy hơn.

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh dịp tết Nguyên đán

Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh dịp tết Nguyên đán

Vào dịp nghỉ tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, đi lại, du lịch, giao lưu của người dân tăng cao, cộng thêm dự báo thời tiết vẫn còn rét đậm, rét hại nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát lớn. Để đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn, các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh thực hiện ứng trực trong dịp nghỉ Tết, tăng cường công tác phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm, kịp thời ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn. 

Chủ động phòng tránh bệnh đường hô hấp

Chủ động phòng tránh bệnh đường hô hấp

Ngày 24 tháng Chạp, những cán bộ y tế tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn bận rộn với công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, có đông phụ huynh đưa trẻ đến khám, chữa bệnh do mắc các bệnh về đường hô hấp. 

fb yt zl tw