Chính phủ lý giải việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày

Việc nâng thời hạn thị thực điện tử lên không quá ba tháng, theo Chính phủ, nhằm thúc đẩy đầu tư, kinh doanh, thu hút khách du lịch tại Việt Nam hiệu quả hơn.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Chính sách thị thực phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày, tìm hiểu đầu tư
Trước đó, cơ quan này đề nghị Chính phủ bổ sung lập luận cụ thể, thuyết phục hơn về đề xuất quy định thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, cũng như làm rõ đề xuất nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ không quá 15 ngày lên không quá 45 ngày.
Trong tiếp thu, giải trình, Chính phủ cho biết qua thời gian triển khai cấp thị thực điện tử, từ giai đoạn thí điểm năm 2017 đến nay, số lượng người nước ngoài đề nghị cấp thị thực điện tử ngày càng tăng. 
Tuy nhiên, do thời hạn thị thực điện tử với 30 ngày hiện nay còn ngắn, nên chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài. 
Đặc biệt, người nước ngoài có nhu cầu nghỉ dưỡng hoặc khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam tương đối dài ngày.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa.
Quy định đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư. Đặc biệt các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Việc áp dụng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng cũng phù hợp với thời gian lưu trú đối với những người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các hiệp định FTA.
Theo Chính phủ, việc cấp thị thực điện tử với những trường hợp này được thực hiện qua xét duyệt nhân sự từ trước. Do đó, so với đơn phương miễn thị thực, chính sách giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc đối với nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý.
Chính sách mở cho người nước ngoài nhập cảnh sẽ là động lực quan trọng
Đối với việc nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày, Chính phủ cho hay qua các nghiên cứu về xu hướng du lịch, khách từ các thị trường xa như châu Âu đến Việt Nam thường theo kỳ nghỉ dài 15 ngày trở lên, hoặc chọn những chương trình du lịch nghỉ dưỡng, xuyên Việt và liên quốc gia.
Hiện nay, ngành du lịch định hướng thu hút khách nghỉ đường biển, lưu trú dài ngày để từng bước cạnh tranh với các nước trong khu vực về du lịch biển. Thực tế, các nước như Thái Lan, Singapore... đang áp dụng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú đến 45 ngày, 90 ngày.
Do đó, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày đạt mức trung bình trong khu vực, nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế, giúp họ chủ động thời gian, lịch trình tham quan, nghỉ dưỡng dài ngày ở Việt Nam.
Chính phủ khẳng định chính sách mở cửa trong tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là "đòn bẩy” lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai.
Báo cáo cũng làm rõ hơn các đề xuất trước đó liên quan tới nộp hồ sơ đề nghị cấp, báo mất, đề nghị khôi phục hộ chiếu phổ thông nộp trên môi trường điện tử; cân nhắc quy định hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu trong trường hợp đã quá 12 tháng nhưng không đến nhận; khuyến khích sử dụng môi trường điện tử trong khai báo tạm trú...
(Theo TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chưa thể chỉnh sửa ngay sách giáo khoa

Chưa thể chỉnh sửa ngay sách giáo khoa

Trong năm học 2025 - 2026, giáo viên và nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành; đồng thời chủ động điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy sao cho phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình tổ chức chính quyền hai cấp.

Nắng nóng gia tăng ở miền Bắc

Nắng nóng gia tăng ở miền Bắc

Từ ngày 15/7, miền Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp phía tây gây nắng nóng diện rộng. Hà Nội đầu tuần 26-34 độ C, đến giữa tuần tăng lên 28-37 độ.

Giờ vàng cấp cứu đột quỵ

Giờ vàng cấp cứu đột quỵ

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó phần lớn bệnh nhân đến viện quá muộn, vượt qua “giờ vàng” - thời gian tối ưu để can thiệp cứu sống và hạn chế di chứng.

Robot AI tự động giải phẫu 100%

Robot AI tự động giải phẫu 100%

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Johns Hopkins huấn luyện robot thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật trên bệnh nhân thật với độ thành thạo sánh ngang chuyên gia.

Bánh "nhà làm" chỉ nên để nhà ăn?

Bánh "nhà làm" chỉ nên để nhà ăn?

Đã đến lúc cần phải có một bộ công cụ để kiểm chứng và giám sát chặt chẽ từ phía cơ quan chức năng đối với các sản phẩm "nhà làm" khi lưu hành trên thị trường, bởi một chữ tín là chưa đủ.

Thu hồi giấy công bố 17 thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Thu hồi giấy công bố 17 thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành quyết định thu hồi giấy công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe với 17 sản phẩm. Đây là đợt hủy giấy công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy mô lớn, cho thấy quyết tâm siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng.

fb yt zl tw