Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Việc vận động học sinh vùng cao học văn hóa đã khó, việc các em theo học nghệ thuật còn khó hơn gấp nhiều lần. Trước đây, Khoa Văn hóa - Nghệ thuật tuyển sinh hằng năm được số lượng ít, chất lượng đầu vào cũng không cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, số lượng và chất lượng tuyển sinh của khoa đã tăng, trong đó một số ngành học mang tính chất đặc thù cũng thu hút học sinh, sinh viên.
Là ngành đặc thù về đào tạo năng khiếu, thông thường chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới cho con theo học nghệ thuật, bởi chi phí đào tạo thường cao hơn so với những ngành học khác. Mặt khác, có nhiều em rất yêu nghệ thuật, có năng khiếu nhưng chỉ theo học ở các cơ sở đào tạo tư nhân, không muốn theo sự nghiệp hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Còn ở những vùng khó khăn… lại không có nhiều học sinh có năng khiếu nghệ thuật. Nhiều gia đình đồng ý cho con theo học nghệ thuật nhưng điều kiện kinh tế lại khó khăn.
Với phương châm “trò không tìm đến với thầy thì thầy sẽ tìm đến với trò”, từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm, các thầy, cô giáo của Khoa Văn hóa - Nghệ thuật lại tỏa đi khắp các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh và một số huyện như Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường của tỉnh Lai Châu; Lục Yên, Văn Yên của tỉnh Yên Bái... để tuyển sinh, sơ tuyển năng khiếu và tư vấn nghề nghiệp. Đến khi tìm được các tài năng nghệ thuật, thầy cô lại tiếp tục đi từng thôn, bản để tuyên truyền, vận động gia đình cho con em theo học nghệ thuật.
“Công việc tuyển sinh nghệ thuật như “đãi cát tìm vàng”, nhưng đó là hành trình chắp cánh cho những ước mơ nghệ thuật của con em vùng cao” - thầy Đỗ Xuân Quỳnh, Trưởng Khoa Văn hóa - Nghệ thuật chia sẻ.
Câu chuyện về em Khánh Thùy, 20 tuổi, quê ở huyện Than Uyên (Lai Châu) là ví dụ điển hình về tấm gương sinh viên nghệ thuật xuất sắc. Khánh Thùy hiện là sinh viên năm 2, chuyên ngành thanh nhạc (Khoa Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai). Là sinh viên rất tài năng, tiếng hát của Khánh Thùy được thầy cô đánh giá cao trong các kỳ thi. Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp nhưng Khánh Thùy lại có giọng hát “trời phú”. Trong một lần tuyển sinh tại huyện Than Uyên, thầy cô của Khoa Văn hóa - Nghệ thuật đã phát hiện tài năng của Thùy và khuyên em theo học nghệ thuật. Trong 2 năm học, Khánh Thùy được thầy cô giảng dạy, trau dồi kỹ thuật thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn trên sân khấu… và trở thành một trong những nhân tố không thể thiếu trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của khoa.
Cũng nhờ học nghệ thuật mà Khánh Thùy có nhiều cơ hội làm việc, có thêm thu nhập chính đáng từ chính ngành nghề mình đang theo học. Sau 1 năm chăm chỉ “chạy show” hát đám cưới và dẫn chương trình ở các sự kiện, Khánh Thùy đã tự mua cho mình chiếc xe máy gần 40 triệu đồng. Dự định của Khánh Thùy sau khi tốt nghiệp cao đẳng sẽ tiếp tục học lên đại học và trở thành giảng viên Khoa Văn hóa - Nghệ thuật.
Để sinh viên có cơ hội khẳng định bản thân, thay đổi cuộc sống từ chính ngành nghệ thuật đang theo học, thầy cô trong Khoa Văn hóa - Nghệ thuật đã cố gắng tìm kiếm những đối tác là nhà hàng, đơn vị tổ chức sự kiện và đưa học trò của mình tới biểu diễn. Đó vừa là cơ hội để các em thực hành và cũng là nơi giúp các em có thêm thu nhập. Khi cảm thấy nguồn lợi ích từ học nghệ thuật, nhiều gia đình mới chủ động tìm hiểu thông tin và đăng ký cho con em theo học nghệ thuật chuyên nghiệp.
Thời gian qua, Khoa Văn hóa - Nghệ thuật đã thể hiện vai trò ươm mầm tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Điều mừng nhất là 80% sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp đã giữ vai trò nòng cốt cả về số lượng và chất lượng tại nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh như Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh; Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; trung tâm văn hóa - thể thao và truyền thông các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và các tỉnh lân cận. Nhiều học sinh đã trở thành hạt nhân văn hóa, nghệ thuật chủ chốt của một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm của tỉnh, từ tháng 3/2024, Khoa đã chuyển về cơ sở mới được đầu tư xây dựng khang trang trị giá gần 20 tỷ đồng với quy mô 26 phòng chức năng, đáp ứng cơ bản nhu cầu giảng dạy và học tập của hơn 240 học sinh, sinh viên của khoa.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ thầy, cô giáo của Khoa Văn hóa - Nghệ thuật đã không ngừng nỗ lực tự rèn luyện, học hỏi kiến thức mới, thay đổi giáo trình giảng dạy, đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề văn hóa, nghệ thuật theo nhu cầu thị trường, phương pháp dạy học hiện đại và cách thức tiếp cận dạy học công nghệ số, tạo ra những sản phẩm nghệ thuật, giáo trình đầy đủ tính đại chúng, tính nhân văn và phù hợp với chân - thiện - mỹ của dân tộc Việt Nam.
Song song với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, đa dạng hóa các ngành nghề và hình thức đào tạo, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp thích ứng linh hoạt nâng cao chất lượng giảng dạy, cán bộ, giáo viên Khoa Văn hóa - Nghệ thuật vẫn đang phát huy năng lực, kinh nghiệm, quyết tâm xây dựng, phát triển khoa lên tầm cao mới, trở thành nơi đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao của khu vực.