Cấp tập kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào

Hoàn thành tiếp nhận tân sinh viên nhập học, các trường đại học bắt đầu tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào nhằm xếp lớp phù hợp.

Tân sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM khóa 2024 làm thủ tục nhập học.

Tân sinh viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM khóa 2024 làm thủ tục nhập học.

Nhiều dạng bài kiểm tra

Ngày 20 và 21/9, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tổ chức kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào với sinh viên khóa 2024. Theo thông báo của nhà trường, tất cả tân sinh viên được kiểm tra năng lực tiếng Anh để bố trí lớp học phù hợp với chương trình chính khóa, ngoại trừ sinh viên các chương trình tiên tiến và ngành Ngôn ngữ Anh.

Riêng ngành Công nghệ thực phẩm và Chăn nuôi - Thú y, sinh viên sẽ kiểm tra theo lịch riêng của khoa. Sinh viên làm bài kiểm tra trên giấy, gồm 200 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 120 phút.

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng tổ chức kiểm tra tiếng Anh đầu vào cho tất cả sinh viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ theo quy định vào ngày 4 và 5/9. Sinh viên có thể thi lại nếu lần 1 chưa đạt kết quả như mong muốn. Trước đó, nhà trường công bố bài thi mẫu để tân sinh viên có thể thi thử miễn phí tại nhà. Bài thi của Trường Đại học Kinh tế - Luật gồm 3 kỹ năng: Nghe, đọc, viết.

Theo quy định của nhà trường, sinh viên chưa đạt trình độ tiếng Anh để tham gia vào chương trình chính khóa theo quy định phải tham gia học tiếng Anh nền tảng tại trường. Học phần tiếng Anh nền tảng được thiết kế nhằm hỗ trợ người học sớm đạt trình độ ngoại ngữ để tham gia vào chương trình chính khóa.

Với Trường Đại học Mở TPHCM, việc đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào áp dụng cho tất cả tân sinh viên hệ đại trà và chất lượng cao. Riêng sinh viên các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Trung Quốc được miễn thi. Việc này nhằm xếp lớp phù hợp với trình độ của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo. Thời gian tổ chức thi từ ngày 16 đến 20/9, ca thi theo trình tự sinh viên làm thủ tục nhập học trực tuyến.

Trường Đại học Mở TPHCM sử dụng bài thi xếp lớp tiếng Anh đầu vào mang tên Placemment Test, do Nhà xuất bản Đại học Oxford thiết kế và biên soạn. Nội dung bài thi gồm 2 phần, làm trong 90 phút. Phần thi sử dụng tiếng Anh gồm các yêu cầu hoàn thành đoạn hội thoại với mẫu ngữ pháp và từ vựng phù hợp, đọc hiểu đoạn hội thoại ngắn, điền vào chỗ trống bằng các mẫu ngữ pháp và từ vựng.

Phần nghe gồm các đoạn hội thoại ngắn, đoạn hội thoại dài và các đoạn độc thoại, sau đó xác định ý người nói. Tân sinh viên làm bài thi tại phòng máy kết nối với hệ thống trực tuyến của Nhà xuất bản Đại học Oxford.

Tại Trường Đại học Văn Lang (TPHCM), kiểm tra tiếng Anh đầu khóa cũng là hoạt động bắt buộc trong lộ trình đào tạo dành cho tân sinh viên. Căn cứ kết quả của kỳ thi, nhà trường tiến hành xếp lớp tiếng Anh tổng quát phù hợp với trình độ của sinh viên, bố trí phương pháp giảng dạy phù hợp, nâng cao kỹ năng ngoại ngữ để đáp ứng chuẩn đầu ra.

Từ ngày 20/8 đến 10/9, Trung tâm Khảo thí nhà trường tổ chức kỳ thi kiểm tra tiếng Anh đầu khóa cho sinh viên khóa 30 (tuyển sinh năm 2024). Đợt kiểm tra thứ hai từ ngày 11/9 đến 30/9 dành cho các trường hợp bổ sung.

Trước đó, Trường Đại học Tân Tạo (Long An) tổ chức kỳ thi tiếng Anh đầu vào cho tân sinh viên khóa 2024. Bài thi có 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Bài kiểm tra giúp đánh giá toàn diện các kỹ năng sử dụng từ vựng, ngữ pháp và phản xạ giao tiếp của tân sinh viên.

Dựa vào kết quả đánh giá này, người học sẽ nhận được phản hồi chi tiết về trình độ ngoại ngữ hiện tại của mình, giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu để xây dựng lộ trình học tập phù hợp và cải thiện nếu cần thiết.

Tại một số trường đại học, kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào cho sinh viên được áp dụng cho một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. Chẳng hạn, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) tổ chức thi cho sinh viên có nguyện vọng đăng ký học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh các ngành: Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Điều dưỡng, Digital Marketing.

Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức đánh giá năng lực tiếng Anh đầu vào cho tân sinh viên theo học chương trình hoàn toàn tiếng Anh, chương trình liên kết quốc tế. Bài thi gồm 3 hoặc 4 kỹ năng, theo dạng IELTS rút gọn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Miễn học phần nếu năng lực ngoại ngữ tốt

Ở các trường đại học, khi tham gia thi tiếng Anh đầu vào, sinh viên có thể sử dụng kết quả này để miễn, chuyển điểm các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo nếu có nhu cầu. Cũng theo quy định của các trường, tân sinh viên có thể nộp chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu vào theo quy định để được miễn thi đánh giá năng lực tiếng Anh, miễn một số học phần tiếng Anh trong chương trình.

ThS Trương Thị Ngọc Bích - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM cho biết, hầu hết chương trình đào tạo của nhà trường là song ngữ, tiếng Anh chiếm 50% thời lượng dạy và học. Ngay từ khi làm thủ tục nhập học, mỗi thí sinh được kiểm tra trình độ tiếng Anh. Thông qua kết quả kiểm tra, các em được sắp xếp lớp học với trình độ phù hợp.

Bên cạnh bài kiểm tra năng lực tiếng Anh, nhà trường tổ chức thi và xét miễn học phần tiếng Anh cho tân sinh viên. Theo đó, tùy theo khả năng ngoại ngữ thể hiện qua các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, sinh viên được miễn học phần tiếng Anh tương ứng. Ví dụ, tân sinh viên có chứng chỉ IELTS 5.0, TOEIC (nghe, đọc) 550 - 600 hoặc TOEFL iBT 59 - 64 được miễn 3 học phần tiếng Anh trong chương trình.

Với IELTS 5.5 trở lên, TOEIC (nghe, đọc) 605 trở lên và TOEFL iBT từ 65 trở lên, sinh viên được miễn 4 học phần. Riêng với bài thi do nhà trường tổ chức, căn cứ vào kết quả, sinh viên cũng được xét miễn và công nhận đạt học phần (tối đa 2 học phần), tùy vào điểm số.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, mục đích chính của việc kiểm tra tiếng Anh đầu vào là để xếp lớp phù hợp. Theo quy định của nhà trường, sinh viên đạt điểm thi dưới 4 sẽ đăng ký học phần Anh văn sơ cấp; từ 4 trở lên sẽ đăng ký học phần Anh văn 1.

“Sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương còn hiệu lực trong vòng 2 năm có thể được xét, miễn học, miễn thi và chuyển đổi điểm học phần ngoại ngữ tương ứng”, ThS Sơn lưu ý.

Về chuẩn đầu ra xét tốt nghiệp, nhiều trường đại học đang sử dụng chứng chỉ tiếng Anh Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam (VSTEP). Yêu cầu chuẩn đầu ra ở nhiều trường là bậc 3/6 VSTEP hoặc các chứng chỉ tương đương.

Theo giaoducthoidai.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Để kỳ vọng không là áp lực cho con

Để kỳ vọng không là áp lực cho con

Trên mạng xã hội, trên các trang báo, phóng sự trên truyền hình, câu chuyện về áp lực học tập cũng như kỳ vọng của phụ huynh được nhắc đến nhiều nhưng chưa bao giờ là cũ. Sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh đã vô tình đè nặng lên con.

Cô giáo nặng lòng với chữ Mông

Cô giáo nặng lòng với chữ Mông

Sinh ra và lớn lên ở xã Bản Phố (huyện Bắc Hà) vào những năm 70 của thế kỷ trước khi điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn, nên tuổi thơ của cô giáo Ma Thị Dua, dân tộc Mông, hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Lào Cai chịu rất nhiều thiệt thòi (do gia đình còn mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nên mãi đến năm 10 tuổi, cô Dua mới được đi học lớp 1, trong khi cậu em kém cô 3 tuổi đã được đi học từ nhiều năm trước đó).

Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Đoàn khảo sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc với các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chiều 10/12, Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do đồng chí Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách, pháp luật về dinh dưỡng học đường.

Tuyển sinh đại học 2025: Rối bời trước dự thảo quy chế tuyển sinh mới

Tuyển sinh đại học 2025: Rối bời trước dự thảo quy chế tuyển sinh mới

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm mầm non (gọi tắt là dự thảo), các đại học, học viện, trường đại học đứng ngồi không yên với nhiều điều chỉnh. Trong đó, có một số nội dung khiến các đơn vị “rối bời” như quy định xét tuyển học bạ trong năm 2025 không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu; điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo.

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2024

Chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 12/2024

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; Quy trình xây dựng, thẩm định, phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo là những chính sách có hiệu lực thi hành từ tháng 12/2024.

fb yt zl tw