Phát biểu tại London trước khi công bố báo cáo năm 2024 của Quỹ, ông Sands thông tin, báo cáo cho thấy sự tiến bộ trong việc đối phó với HIV/AIDS, lao và sốt rét sau khi đại dịch Covid-19 khiến các nỗ lực trước đó bị gián đoạn.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ, ông Sands cảnh báo rằng hậu quả của đại dịch vẫn khiến các chính phủ e dè trong việc cung cấp kinh phí cho lĩnh vực y tế, làm dấy lên lo ngại về đợt kêu gọi tài trợ cho giai đoạn 2026-2028 của Quỹ.
"Chắc chắn rằng sức khỏe toàn cầu đang bị lu mờ bởi các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu và xung đột", ông Sands nói, đồng thời nhấn mạnh rằng những người nghèo nhất thế giới đang bị ảnh hưởng bởi “bộ ba tàn khốc” này.
Biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng và thiệt hại liên quan sức khỏe thông qua việc gia tăng tình trạng suy dinh dưỡng và lây lan bệnh tật, trong khi xung đột dẫn đến nhiều ca tử vong do hệ thống y tế sụp đổ hơn là do bom đạn.
Quỹ Toàn cầu là nhà tài trợ quốc tế lớn nhất trong nỗ lực chống lại bệnh lao và sốt rét, đồng thời đứng thứ 2 về tài trợ phòng, chống HIV/AIDS, với mức đầu tư hơn 5 tỷ USD mỗi năm để ứng phó 3 căn bệnh này.
Báo cáo thường niên của quỹ vào năm 2023 cho thấy, khoảng 25 triệu người đã được điều trị bằng liệu pháp kháng virus (ARV), 7,1 triệu người được điều trị bệnh lao và 227 triệu màn chống muỗi đã được phân phát ở các quốc gia mà quỹ hoạt động, tăng so với năm 2022.
Theo báo cáo, kể từ khi thành lập vào năm 2002, tỷ lệ tử vong kết hợp từ 3 căn bệnh này đã giảm 61%, đồng thời giúp cứu được khoảng 65 triệu sinh mạng.
Cùng với các đối tác y tế, quỹ cũng thúc đẩy giảm giá các vật tư y tế cũng như hạ giá màn chống muỗi truyền bệnh sốt rét, đồng thời đã đạt được những kết quả trong việc giảm chi phí điều trị HIV/AIDS và lao trong năm 2023.
Ông Sands nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm chi phí đối với các công cụ mới phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là lenacapavir, một loại thuốc kháng virus thế hệ mới của hãng dược Gilead Science để cung cấp trên quy mô lớn.