Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, cảnh báo việc Mỹ rút khỏi tổ chức này có thể ảnh hưởng đến các đối tác của UNESCO tại Mỹ, đặc biệt là các cộng đồng đang tìm kiếm sự công nhận các địa danh vào Danh sách Di sản Thế giới, danh hiệu Thành phố Sáng tạo. Phát biểu trước báo giới tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc ông Stephane Dujarric nhấn mạnh:
"Trong một tuyên bố của Tổng Giám đốc UNESCO, bà nói rằng vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ một lần nữa rút khỏi tổ chức này. Trong những năm qua, UNESCO đã tăng cường nỗ lực hành động ở bất cứ nơi nào sứ mệnh của tổ chức này có thể đóng góp cho hòa bình. Và, tất nhiên, Tổng Thư ký LHQ cũng lấy làm tiếc sâu sắc về quyết định này của Mỹ".

Trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) tại Paris, Pháp.
Chỉ hai năm sau khi tái gia nhập UNESCO, Mỹ đã công bố quyết định rút khỏi tổ chức này và quyết định này có hiệu lực vào cuối tháng 12 năm 2026.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc tiếp tục tham gia tổ chức này không vì lợi ích quốc gia của Mỹ, hơn nữa quyết định của UNESCO nhằm kết nạp nhà nước Palestine là thành viên của Tổ chức này cũng đi ngược lại chính sách của Mỹ. Trong khi đó, theo Tổng giám đốc UNESCO, việc Mỹ rút lui không phải là điều bất ngờ mà là điều đã được dự đoán trước. UNESCO cũng đã chuẩn bị cho việc này.
Tại cuộc họp báo chiều 23/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn bày tỏ: "Chúng tôi nhận thấy UNESCO và nhiều quốc gia đã một lần nữa bày tỏ sự tiếc nuối về việc Mỹ rút khỏi tổ chức này. Đây là lần thứ ba Mỹ rút khỏi UNESCO . Đây không phải là điều mà một quốc gia lớn có trách nhiệm nên theo đuổi".
Đây là lần thứ ba nước này rời khỏi UNESCO và là lần thứ hai dưới thời Tổng thống Donald Trump. Lần đầu tiên vào năm 1984, chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ khỏi tổ chức này, với lý do có quan điểm không thân thiện với Mỹ, sau đó, nước này trở lại UNESCO vào năm 2003 dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush.
Năm 2011, chính quyền cựu tổng thống Barack Obama đã cắt nguồn tài trợ cho UNESCO sau khi các nước thành viên chấp thuận đề nghị của Palestine trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Sau đó, tới năm 2017, chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhiệm kỳ đầu tuyên bố rời khỏi UNESCO sau khi cáo buộc tổ chức này có thành kiến chống lại Israel trước khi cựu Tổng thống Joe Biden đảo ngược quyết định này vào năm 2023.