P.V: Năm 2011 có 14 ca tử vong và 6 tháng đầu năm 2012 lại có thêm 9 người chết do bệnh dại gây ra (tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Mù Cang Chải, Trấn Yên), vậy đâu là nguyên nhân thưa bà?
Bà Lê Thị Hồng Vân: Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là hiện nay bệnh dại trên đàn chó không được kiểm soát, việc tiêm phòng dại trên đàn chó mới đạt 21,7% (mức này là quá thấp); hầu hết người nuôi chó vẫn có thói quen là thả rông mà không xích nhốt. Điều đáng nói nữa là hiện nay người dân rất chủ quan và thiếu hiểu biết về bệnh dại. Vì vậy, khi bị chó cắn họ không đi tiêm ở các cơ sở y tế mà đến nhà thầy lang để uống thuốc nên không đạt kết quả.
- Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại người dân cần phải làm gì, thưa bà?
+ Khi phát hiện chó, mèo bị bệnh dại thì người dân tuyệt đối không được tiếp túc với các con vật; không nên bán hoặc di chuyển để tránh sự lây nhiễm vi rút dại sang người. Đồng thời, cần thông báo cho ngay cho chính quyền để có phương án xử lý.
- Theo bà, những trường hợp nào cần phải theo dõi chó, mèo?
+ Những trường hợp cần phải theo dõi chó, mèo đó là những vết cắn nhẹ, vết cắn xa thần kinh trung ương. Nếu tại thời điểm con vật cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có dấu hiệu nghi ngờ dại.
Tại nơi bị con vật cắn không phát hiện có bệnh dại ở súc vật, thì phải theo dõi con vật trong vòng 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... phải đến điểm tiêm phòng dại để được điều trị dự phòng ngay.
Nếu sau 15 ngày kể từ khi người bị con vật cắn, tiếp xúc mà con vật đó vẫn sống bình thường thì không cần điều trị dự phòng.
- Nhiều người dân có quan niệm khi bị chó, mèo cắn thì họ ngại đi tiêm, bởi khi tiêm vắcxin phòng dại vào sẽ rất độc và ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ. Quan niệm của bà về vấn đề này như thế nào?
+ Hiện nay, việc sử dụng vắcxin dại tế bào đã được tinh chế rất an toàn nên người tiêm phòng dại không ảnh hưởng đến sự phát triển của trí tuệ của mỗi con người. Đến nay, chưa có một thống kê nào nói về sự ảnh hưởng của việc tiêm phòng dại trên người.
- Theo bà, để giảm thiểu tối đa các ca tử vong do bệnh dại gây ra, giải pháp chủ yếu là gì?
+ Việc làm trước mắt là các cấp, các ngành cần phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân thay đổi nhận thức về bệnh dại; đảm bảo 100% số người khi bị phơi nhiễm bệnh dại phải tiêm phòng.
Hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó nuôi phải xích, nhốt, đeo rọ mõm. Có biện pháp diệt chó chạy rông, chó vô chủ, chó dại và nghi dại. Nuôi chó phải tiêm vắcxin phòng dại đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y.
Người bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với súc vật dại phải rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và đến các trung tâm y tế điều trị dự phòng càng sớm càng tốt.
- Xin cảm ơn bà!
Văn Tuấn (thực hiện)