Nghị định số 91/2024/NĐ-CP bổ sung quy định tháo gỡ vướng mắc cho địa phương
Phát biểu tại “Hội nghị triển khai Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 31/7, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, nghị định đã bổ sung quy định về điều chỉnh tăng, giảm diện tích khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; chuyển loại rừng đặc dụng; về tiêu chí, trình tự thủ tục điều chỉnh phân khu chức năng của rừng đặc dụng.
Về quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng, nghị định bổ sung quy định cụ thể hơn lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ. Chủ dự án thuê môi trường rừng không phải thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích thuê môi trường. Nghị định quy định cụ thể về quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng…
Đặc biệt về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nghị định quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng chỉ còn 1 cấp là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (không còn cấp Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng; không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau). Đối với dự án dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án đồng thời là chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án.
Nghị định cũng quy định rõ tiêu chí dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên và đã được mở rộng hơn về đối tượng (bổ sung dự án Khu công nghiệp, cụm công nghiệp).
Những công trình kết cấu hạ tầng bảo vệ và phát triển rừng sẽ không phải thực hiện quy định về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đơn giản về hồ sơ, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (từ 50 ngày xuống 35 ngày)…
Sớm đưa Nghị định vào thực tiễn
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đánh giá, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sẽ giúp địa phương tháo gỡ được nhiều vấn đề trong thực tiễn bị vướng mắc từ lâu.
Chẳng hạn trong quản lý và bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Xuân Sơn được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập nhưng tỉnh quản lý, khi cần có sự điều chỉnh chức năng, tỉnh không biết thẩm quyền do ai? Hay thẩm quyền trong chuyển mục đích sử dụng rừng, với những diện tích cần chuyển đổi nhỏ, chỉ 1 hoặc 2 ha, tỉnh cũng rất loay hoay. Nay Nghị định số 91/2024/NĐ-CP đã phân cấp cho địa phương rất rõ ràng.
Ông Đỗ Ngọc Đoàn cũng nêu thêm, Phú Thọ đã quy hoạch 3 loại rừng cách nhiều năm, nhưng không thể chuyển đổi được các loại rừng. Với Nghị định số 91/2024/NĐ-CP thì những vướng mắc này đã được tháo gỡ.
Ông Hà Minh Quý Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, nêu ý kiến, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng yêu cầu phải có văn bản chấp thuận chủ trương hoặc quyết định chủ trương chuyển mục đích trồng rừng của các dự án. Tuy nhiên, trên thực tế ở Bắc Giang có những trường hợp, đối với hộ gia đình, cá nhân được giao đất rừng và có sổ đỏ đất nông nghiệp từ trước đây nhưng theo quy định thì không có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích rừng, việc này sẽ giải quyết như thế nào? Vấn đề này cần có văn bản hướng dẫn để địa phương có căn cứ triển khai.
Làm rõ thêm về dịch vụ hấp thụ lưu trữ carbon rừng, ông Trần Quang Bảo cho biết, dịch vụ rừng và lưu trữ hấp thụ carbon rừng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ hóa với quy định của ngành Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ, ngành liên quan để tiếp tục đưa dịch vụ hấp thụ lưu trữ carbon rừng áp dụng rộng rãi để tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng.
Về kiến nghị của các địa phương, ông Trần Quang Bảo cho hay, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm sẽ sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết và tổ chức tập huấn đối với từng lĩnh vực được phân giao để các địa phương triển khai, đưa Nghị định vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin, hiện toàn ngành lâm nghiệp có 15,68 triệu ha, trong đó có 14,8 triệu ha có rừng. Để quản lý, khai thác rừng, cơ quan thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản. Riêng với Nghị định 91, tính đến tháng 7/2024, Bộ đã có 18 báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ và các Thành viên Chính phủ; tổ chức các cuộc họp, lấy kiến thống nhất của các Bộ có ý kiến khác và đã trình Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến Thành viên Chính phủ 3 lần về dự thảo Nghị định; Ngày 10/7/2024, Bộ đã báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ (lần 3), được Chính phủ ký ban hành Nghị định ngày 18/7/2024 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
“Nghị định 91 có phạm vi áp dụng rộng, đối tượng tham gia đa dạng và nhiều nội dung khó. Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tháo gỡ những vướng mắc các quy định mà thực tiễn còn thiếu, chưa phù hợp liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp. Việc xây dựng Nghị định đã khó, việc phổ biến, triển khai để đưa Nghị định vào cuộc sống còn quan trọng hơn. Do đó, đề nghị các địa phương vừa tổ chức triển khai, vừa truyền thông để việc thực hiện Nghị định được hiệu quả nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.