Cân nhắc khi khai thác du lịch từ phim trường

Những năm gần đây, việc khai thác du lịch từ các phim trường đã trở thành hướng đi hấp dẫn, vừa giúp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư, gia tăng nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về tính phù hợp của từng phim trường với đặc điểm bối cảnh và điều kiện thực tế của mỗi địa phương.

6.jpg
Một góc phim trường của phim "Mưa đỏ".

Hướng khai thác đầy tiềm năng

Phát triển du lịch từ các phim trường từ lâu đã được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác hiệu quả. Những cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, các bối cảnh được tạo dựng công phu, dấu ấn của đoàn làm phim đáp ứng nhu cầu khám phá của du khách. Tại Việt Nam, nhiều địa phương đã nhận thức được tiềm năng này để vận dụng hiệu quả.

Có thể kể tới trường hợp bộ phim Mỹ "Kong: Skull Island" với một số cảnh được quay tại Ninh Bình. Sau khi phim ra mắt, nơi đây đã trở thành điểm đến du lịch nổi bật, thu hút sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các tour du lịch chủ đề "Theo dấu chân Kong" của nhiều công ty lữ hành quốc tế, như: Exotic Voyages, Signature Cruise Halong đã tạo cơ hội giúp địa phương khai thác tiềm năng du lịch bền vững.

Tại Phú Yên, sau thành công của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", khu vực Bãi Xép nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút du khách nhờ vào vẻ đẹp hoang sơ, bình dị được lan tỏa qua những cảnh quay đẹp mắt. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất xây dựng phim trường hơn 300 ha tại Công viên lịch sử văn hóa dân tộc nhằm đáp ứng bước phát triển mới của điện ảnh và kết hợp khai thác du lịch.

Các chuyên gia trong ngành nhận định, khai thác du lịch thông qua phim trường có thể giúp tiết kiệm kinh phí rất nhiều so với việc đầu tư xây dựng, sửa sang theo hướng quảng bá truyền thống. Đồng thời, địa phương cũng sẵn nội dung để lan tỏa theo hướng phù hợp. Điều quan trọng, phim trường còn giúp phát triển du lịch bền vững bằng cách tạo ra một mô hình du lịch kết hợp bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa địa phương. Theo đó, du khách không chỉ tham quan mà còn tìm hiểu sâu về lịch sử, văn hóa, con người thông qua những bối cảnh cụ thể.

Dù đã có những điển hình khai thác phim trường mang lại lợi ích rõ rệt, song, không phải tất cả các dự án đều thuận lợi. Gần đây đã có tranh cãi về việc khai thác du lịch từ phim trường "Mưa đỏ" tại tỉnh Quảng Trị. Phim trường được Điện ảnh Quân đội nhân dân dựng bên bờ sông Thạch Hãn, tái hiện cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta năm 1972 với mức đầu tư lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Trước đó, trong các cuộc họp và chia sẻ ý kiến, đại diện lãnh đạo tỉnh và đoàn phim đã bày tỏ mong muốn phim trường có thể được giữ lại, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, mới đây, tỉnh Quảng Trị sau khảo sát đã từ chối tiếp nhận phim trường do điều kiện thực tế về địa hình, khí hậu không bảo đảm cho việc bảo quản, giữ gìn bối cảnh.

Trước đó, nhà đầu tư đang xây dựng khu du lịch kết hợp phim trường tại khu vực thác Lưu Ly tỉnh Đắk Nông cũng chia sẻ về một số khó khăn, trong đó đáng chú ý là về mặt pháp lý chưa thật cụ thể, rõ ràng trong các điều khoản cho nên nhà đầu tư cảm thấy chưa đủ an toàn để mạnh dạn đầu tư hết mức.

Cần khảo sát, đầu tư kỹ lưỡng

Tại các Hội nghị quốc tế về xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia đã thẳng thắn thừa nhận, dù là quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, song, so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài; chưa quảng bá được các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh; các mô hình hiện nay chủ yếu vẫn còn manh mún, chưa đồng bộ và chưa tương xứng với tiềm năng.

Phim trường có thể tạo ra một sự thu hút mạnh mẽ đối với du khách, đặc biệt là những người hâm mộ phim bởi họ muốn trải nghiệm không gian thực tế của các cảnh quay. Du khách đến tham quan cũng sẽ chi tiêu vào nhiều dịch vụ du lịch, như: ăn uống, lưu trú, mua sắm, di chuyển... góp phần thúc đẩy nền kinh tế du lịch, tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ, người dân địa phương và các doanh nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các địa điểm gắn liền với di sản văn hóa để làm bối cảnh phim còn giúp quảng bá vẻ đẹp, lịch sử và truyền thống của vùng đất. Các phim trường có thể tác động tích cực vào câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích, công trình, cảnh quan đặc sắc. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều rủi ro và thách thức khi khai thác du lịch theo hướng này.

Tại nhiều hội nghị, hội thảo về du lịch phim trường, các chuyên gia đã cảnh báo về vấn đề quá tải, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên khi lượng du khách quá đông đúc. Điều này cũng có thể dẫn đến tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên, sự bảo tồn của những khu vực quan trọng. Chưa kể, khi các đoàn phim xong nhiệm vụ, nếu phim trường không được đầu tư đúng mức, các khu vực dễ xuống cấp do sự tác động của điều kiện tự nhiên, con người.

Việc khai thác quá mức một phim trường còn làm mất đi tính nguyên sơ, tự nhiên của địa điểm ban đầu, nhất là khi các công trình xây dựng hoặc thay đổi quá nhiều để phục vụ du lịch. Điều này khiến bối cảnh không còn giữ được cảm giác thực tế, tự nhiên như phim, giảm tính hấp dẫn với du khách. Ngoài ra, khi xây dựng và mở cửa các phim trường du lịch, nhất là những khu vực có bối cảnh phức tạp hoặc không gian ngoài trời, vấn đề an toàn cho du khách cần đặc biệt chú trọng.

Theo các chuyên gia, muốn khai thác du lịch từ phim trường, cần có đủ giải pháp bảo đảm an toàn, thẩm mỹ và bền vững, phù hợp đặc thù về địa hình, khí hậu, dân sinh ở từng địa phương. Cụ thể, cần thực hiện các khảo sát chi tiết về địa điểm, nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố môi trường, văn hóa và xã hội. Quy hoạch không gian, các hoạt động du lịch phải phù hợp với đặc điểm từng khu vực để có định hướng bền vững, không làm thay đổi quá nhiều tính chất ban đầu của vùng miền.

Thông thường, các phim trường do đoàn phim để lại nếu khai thác ngay sẽ không hiệu quả, mà cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm các khu vực phục vụ du khách như đường sá, khu vực vệ sinh, điểm nghỉ ngơi, chỗ đậu xe… Đồng thời, bảo trì và bảo vệ các địa điểm phim trường là cần thiết để đảm bảo không bị xuống cấp nhanh chóng và duy trì thẩm mỹ lâu dài. Giải pháp xã hội hóa có thể giúp phân bổ nguồn lực và nâng cao tính hiệu quả trong việc khai thác du lịch phim trường.

Các cơ quan nhà nước có thể phối hợp các doanh nghiệp tư nhân, tổ chức cộng đồng và người dân địa phương để xây dựng, quảng bá và quản lý các địa điểm. Cộng đồng địa phương cũng cần được đào tạo để đón tiếp du khách một cách chuyên nghiệp. Cần có các biện pháp quản lý lượng khách tham quan, tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên. Thí dụ, các tour du lịch có thể được phân chia theo giờ giấc, tránh du khách quá đông tụ tập tại một thời điểm; kiến tạo các không gian xanh, phát triển cây xanh chung quanh khu vực phim trường để bảo vệ môi trường.

Khai thác phim trường du lịch hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch địa phương, tuy nhiên cũng đi kèm không ít rủi ro. Chỉ khi được thực hiện bài bản, đồng bộ và đáp ứng tính đặc thù, du lịch tham quan phim trường mới có thể tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo, thu hút du khách để góp phần phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

fb yt zl tw