Tuy nhiên, vừa qua, lần đầu tiên xảy ra sự việc người dân đào cây chè Shan cổ thụ để bán cho người ngoài địa phương. Rất may có sự ngăn chặn kịp thời nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh báo đối với chính quyền xã và lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quần thể chè Shan tuyết cổ thụ này.
Khoảng 8 giờ, ngày 6/10/2023, ông Lý Văn Phìn, Quyền Chủ tịch UBND xã Tả Thàng trên đường đi đến khu vực phân bố quần thể chè Shan tuyết cổ thụ đã phát hiện gia đình ông Thào Phừ A, ở thôn Sú Dí Phìn đang đào xung quanh gốc 4 cây chè Shan tuyết cổ thụ (qua tìm hiểu cả 4 cây chè Shan tuyết cổ thụ đều trên đất nương, có “bìa đỏ” của hộ ông Thào Phừ A), thậm chí toàn bộ bầu đất ở gốc cây còn được bao bọc cẩn thận bằng lớp lưới để chuẩn bị vận chuyển đi.
Ông Phìn đã chỉ đạo cán bộ địa chính, khuyến nông xã và trưởng thôn có mặt lập biên bản hiện trạng, đồng thời can thiệp, đề nghị hộ ông Thào Phừ A tháo bỏ lớp lưới bọc bầu đất và lấp đất vào gốc cây đã đào, cũng như có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ để cả 4 cây sinh trưởng bình thường.
Quyền Chủ tịch UBND xã Tả Thàng – Lý Văn Phìn cho biết: Mặc dù đây là lần đầu tiên xảy ra việc người dân đào cây chè Shan cổ thụ để bán cho người ngoài địa phương, với số lượng không nhiều, chỉ có 4 cây nhưng điều đáng nói ở đây, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì có thể không chỉ dừng lại ở mức độ như vậy. Đáng lo hơn cả, một hộ làm được, thì sẽ có nhiều hộ khác làm theo.
Khi biết thông tin 4 cây chè Shan tuyết cổ thụ bị đào gốc để bán cho người ngoài địa phương, ông Phan Quốc Tuấn, đại diện Công ty Cổ phần Trà Tiên Thiên – doanh nghiệp đang liên kết với người dân xã Tả Thàng để tiêu thụ chè búp tươi cổ thụ không khỏi xót xa.
Theo ông Tuấn, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Tả Thàng được ví như kho vàng xanh, chất lượng rất cao và rất đặc sắc. Công ty đã lấy mẫu chè, phân tích, đánh giá và đi đến quyết định đầu tư xưởng chế biến trà chất lượng cao từ chè búp tươi cổ thụ tại Tả Thàng.
Hiện công ty đang thu mua với giá 350.000 đồng/kg đối với “tôm” chè tươi và 40.000 đồng/kg đối với chè “một tôm hai lá”.
“Trung bình, mỗi vụ, mỗi cây chè Shan cổ thụ cho thu hái 30 kg chè “một tôm hai lá”, hoặc 10 kg “tôm” chè. Một năm, thu hái được 4 vụ, với giá thu mua như trên, rõ ràng người dân có nguồn thu cao và ổn định. Vậy mà, không hiểu tại sao lại có hộ dân vì lợi ích trước mắt mà đào cây để bán”, ông Tuấn ngạc nhiên.
Cũng theo ông Tuấn, cây chè Shan cổ thụ rất “khó tính”, chỉ cần thay đổi thổ nhưỡng, dù chăm sóc tốt đến mấy, sau một thời gian là cây sẽ chết.
“Rất may, cả 4 cây chè mới bị đào xung quanh, chưa bị bứng gốc nên chỉ cần lấp đất là cây sẽ sinh trưởng bình thường”, ông Tuấn khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, Quyền Chủ tịch UBND xã Tả Thàng Lý Văn Phìn cho biết: Xã đề nghị huyện và các ngành chức năng sớm có phương án bảo vệ quần thể chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm này. Bởi không chỉ đem lại thu nhập cho người dân, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ còn là vườn giống gốc để bảo tồn đa dạng loài cây và nguồn gen.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều khu vực phân bố quần thể chè Shan tuyết cổ thụ, như: Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Y Tý, A Mú Sung (Bát Xát), Làng Giàng (Văn Bàn)… Tuy nhiên, mới đây, chỉ có quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở Hoàng Thu Phố được chính quyền địa phương quan tâm, lập hồ sơ và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Do vậy, với gần 20 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, huyện Mường Khương có thể nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị cấp Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam hoặc phương án nào khác để sớm bảo vệ, bảo tồn quần thể chè Shan tuyết cổ thụ này trước nguy cơ bị khai thác làm cây cảnh.