Cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Nhằm đẩy mạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN

Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh sẽ tiếp tục được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực pháp lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ chú trọng tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển môi trường thương mại điện tử lành mạnh, bền vững.

Thống kê từ Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia cho thấy: Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ sau dịch COVID-19 với doanh thu từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử. Những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – cơ quan được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.567 đơn thư phản ánh và khiếu nại của người tiêu dung; trong đó, 5,5% đơn có nội dung liên quan đến thương mại điện tử.

Các vấn đề thường gặp bao gồm: chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch. Nhóm đối tượng bị tác động chính là trẻ em, người cao tuổi, người dân sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa. Các hệ lụy tiêu cực như lừa đảo trên không gian mạng, "nghiện mua hàng", dành quá nhiều thời gian lướt mạng xã hội đang trở thành vấn đề đáng lo ngại. Một số trang web thương mại điện tử chứa đựng thông tin sai lệch, dễ tác động tiêu cực tới tâm lý và suy nghĩ của người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Các quy định mới làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể. Cùng đó là việc kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số.

Năm 2023, Bộ Công Thương đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp đa dạng và sáng tạo để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp về bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Các hoạt động này không chỉ nhằm cung cấp thông tin pháp luật mà còn hướng đến xây dựng thói quen mua sắm an toàn, thông minh cho người tiêu dùng và trách nhiệm kinh doanh có đạo đức cho các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã tổ chức các cuộc thi và hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cuộc thi "Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử" và "Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng" thu hút hơn 25.000 người chơi mỗi năm. Đồng thời, tạo lập khoản Tiktok @ntdtrongtmdt (Người tiêu dùng GenZ), đăng tải gần 30 video clips tuyên truyền lên tài khoản với hơn 200.000 lượt xem/thích và vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn cước 1800.6838 để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đồng thời khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được đăng tải rộng rãi tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến. Cùng đó, thu hút hàng triệu lượt xem từ người mua, giúp phổ biến nội dung pháp luật tới đông đảo người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức ký cam kết với một số sàn thương mại điện tử nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử như các cam kết về "Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử" trong các năm từ 2019 cho tới nay.

Không dừng lại ở đó, Bộ Công Thương đã tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Việc hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển mà còn tạo điều kiện để xây dựng các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hiện nay, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã là thành viên của các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và trên thế giới gồm: Ủy ban Bảo vệ người tiêu dùng Asean (ACCP), Mạng lưới thực thi và bảo vệ người tiêu dùng quốc tế (ICPEN), Uỷ ban thương mại và phát triển của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Trong năm 2023, Ủy ban phối hợp với UNDP công bố Bộ Quy tắc Hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử (dành cho người bán) và trao đổi để ký kết các biên bản ghi nhớ với các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đối với việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ Công Thương đã chủ động có sự phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trên các nền tảng. Cùng với đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Thông qua cơ chế phối hợp và sự chủ động nêu trên, Bộ Công Thương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn về hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chào bán trên không gian mạng. Đặc biệt, kịp thời yêu cầu các sàn thương mại điện tử điều chỉnh, xóa bỏ các thông tin có nội dung sai lệch, có khả năng tác động tiêu cực tới người tiêu dùng.

Theo ông Lê Triệu Dũng, những nỗ lực trên đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh và bền vững. Vì vậy, Bộ Công Thương cam kết tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tối đa.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Sáng 15/5, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2025; đề xuất nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Ảnh: Tảo tần trên nương chè Lùng Vai

Ảnh: Tảo tần trên nương chè Lùng Vai

Lùng Vai được gọi là “thủ phủ chè” của huyện Mường Khương, khi có gần 800 hộ dân trồng chè với gần 1 nghìn ha trải dài khắp 14 thôn bản. Nơi đây như được khoác tấm áo xanh mát mắt, uốn lượn theo những triền đồi. Những ngày này, trên các nương, đồi chè rộn rã tiếng nói, cười của những nông dân đang vào vụ thu hái chè.

Hoàn thành lắp dựng 6 vị trí cột dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đoạn qua tỉnh Lào Cai

Hoàn thành lắp dựng 6 vị trí cột dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đoạn qua tỉnh Lào Cai

Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đoạn qua tỉnh Lào Cai có chiều dài khoảng 49,47 km. Hầu hết các vị trí đi qua đều nằm trên đồi núi cao, địa bàn thi công khó khăn, trong khi thời gian thi công rất gấp. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa dự án về đích đúng kế hoạch, Ban Quản lý dự án Điện 1 đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương và nhà thầu mở đường công vụ, dồn lực thi công.

UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác ADB đánh giá Dự án GMS 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa

UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác ADB đánh giá Dự án GMS 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa

Sáng 14/5, UBND tỉnh Lào Cai đã làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do ông Marc Perez Casas - Chuyên gia Phát triển đô thị làm trưởng đoàn để đánh giá hoàn thành Dự án Phát triển đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 2 - Tiểu dự án đô thị Sa Pa.

Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế GTGT để hỗ trợ phục hồi kinh tế

Ngày 13/5, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Sửa chữa cầu treo bến Thâu, xã Xuân Thượng bị hư hỏng do hoàn lưu bão số 3

Sửa chữa cầu treo bến Thâu, xã Xuân Thượng bị hư hỏng do hoàn lưu bão số 3

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Yên cho biết, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhà thầu thi công Dự án sửa chữa cầu treo bến Thâu, xã Xuân Thượng đang tập trung thực hiện các hạng mục theo thiết kế, phấn đấu sớm hoàn thành dự án để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

fb yt zl tw