Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xem xét giảm tỷ lệ hoặc bỏ hẳn "xét tuyển sớm"

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc giảm tỷ lệ 20% hay bỏ "xét tuyển sớm” để gộp vào xét tuyển chung một đợt, nhằm tạo sự thuận lợi và hiệu quả cho các thí sinh, cơ sở đào tạo; cũng như hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non là chỉ tiêu xét tuyển sớm của các cơ sở đào tạo không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Việc điều chỉnh này đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến rộng rãi.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều chỉnh này là cần thiết để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã trao đổi rõ hơn về vấn đề này.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, sửa đổi trong dự thảo dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn. Quá trình triển khai quy chế tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo dõi và đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc trực tiếp làm công tác tuyển sinh, giáo dục đào tạo của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như đánh giá dữ liệu tuyển sinh hằng năm. Đồng thời, điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa vào các nguyên tắc, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục là công bằng và chất lượng, cố gắng làm sao để nâng cao hiệu quả cũng như tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phân tích về "xét tuyển sớm" tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phân tích về "xét tuyển sớm" tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa tổ chức tọa đàm có sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia, những người trực tiếp làm công tác tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học, có kinh nghiệm nhiều năm; Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, những người trực tiếp quản lý công tác giảng dạy, tổ chức giảng dạy học sinh phổ thông. Qua tọa đàm, ý kiến của các đại biểu rất đồng thuận với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là bám theo những nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả.

Phân tích về sự cần thiết cũng như tác động của việc sửa đổi quy định “tuyển sinh sớm”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, xuất phát điểm của việc xét tuyển sớm cách đây khoảng 6 - 7 năm. Trước đó là xét tuyển chung sau khi các em có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Từ năm 2017, bắt đầu có một số cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ và thành tích của học sinh. Khi một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm thì giống như cuộc chạy đua, một cơ sở làm thì các cơ sở đào tạo khác không thể đứng yên được mà cũng phải lao vào cuộc cạnh tranh đó.

“Tất cả cùng vất vả, từ cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ, xét tuyển và các em học sinh đang học lớp 12 cũng đôn đáo chạy các chứng chỉ, làm hồ sơ, rồi các thầy cô giáo phải xác nhận các thủ tục giấy tờ… để gom tuyển sinh” - Thứ trưởng nói và đánh giá tất cả vất vả nhưng hiệu quả mang lại không cao. “Cứ có 8 nguyện vọng trúng tuyển (trong xét tuyển sớm) thì chỉ có 1 nguyện vọng nhập học; hay có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì sau có 1 em nhập học.

Khi xét tuyển sớm, mỗi trường làm độc lập một cách và đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xét tuyển chung để các thí sinh lựa chọn nguyện vọng vào các trường, các ngành thì sinh ra thí sinh “ảo”. Từng trường, từng ngành không thể dự đoán được tỷ lệ thí sinh ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, có thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn tới xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn, thường là điểm chuẩn trúng tuyển phải hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn.

Vài năm vừa rồi, điểm chuẩn trong đợt chung một số ngành tăng vọt. Có em 25 điểm trúng tuyển ngành này nhưng cuối cùng điểm chuẩn trúng tuyển sau lại là 26 điểm, trong khi có xét tuyển sớm thì em thí sinh xét tuyển sớm đã trúng tuyển rồi. “Từ sự không công bằng dẫn đến chất lượng không bảo đảm”, Thứ trưởng phân tích.

Vì xét tuyển sớm nên các em chưa hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT đã được xét tuyển rồi, điều đó cũng tạo ra không công bằng. Những em nào có điều kiện có thể học sớm, học trước hoàn thành chương trình học kỳ I nhưng hầu hết các em phải đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình. Như vậy điểm xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều, tạo ra bất công.

Điều này tác động tiêu cực đến dạy và học phổ thông. Nhiều em có tâm lý đã trúng tuyển đại học rồi nên không quan tâm chuyện học hành nữa, đến lớp chỉ để ngồi chơi. Nhiều em từ khi mới vào lớp 10 trường chuyên thì gần như là yên tâm trúng tuyển và không tập trung vào học toàn diện, vì vậy chất lượng giáo dục phổ thông bị ảnh hưởng. Các em không chuẩn bị nền tảng phổ thông tốt thì cũng dẫn đến cả chất lượng đào tạo đại học về sau.

Từ những bất cập đó, Bộ đã có sự điều chỉnh giảm tỷ lệ xét tuyển sớm xuống, chỉ những em thực sự có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng. Các em tập trung vào đợt xét tuyển chung bảo đảm sự công bằng, chất lượng cũng như hiệu quả và thuận lợi.

Theo Thứ trưởng, hầu hết ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc tại buổi tọa đàm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thuận với dự thảo, trong đó có đại biểu đề nghị bỏ xét tuyển sớm.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc việc này, giảm tỷ lệ như thế nào hay bỏ xét tuyển sớm để gộp vào xét tuyển chung một đợt”, Thứ trưởng thông tin.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường sẽ chuẩn bị cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… lên hệ thống. Các trường chỉ xem xét các điểm, học sinh cũng yên tâm học hết lớp 12 và lựa chọn nguyện vọng, không phải nộp hồ sơ qua bằng giấy, không phải đến từng trường, chỉ lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống. Điều này tạo ra sự thuận lợi và hiệu quả cho tất cả, hướng tới một nền giáo dục minh bạch, công bằng, chất lượng, hiệu quả, thuận tiện.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hành trình đến danh hiệu Thủ khoa Văn của cô nữ sinh chuyên Nguyễn Tất Thành

Hành trình đến danh hiệu Thủ khoa Văn của cô nữ sinh chuyên Nguyễn Tất Thành

Trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2025 - 2026, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, bên cạnh những con số ấn tượng về chất lượng thí sinh, nhà trường còn vinh danh 10 em học sinh xuất sắc giành vị trí thủ khoa ở 10 môn thi chuyên khác nhau. Trong những gương mặt xuất sắc ấy có em Nguyễn Bảo Ngọc - học sinh lớp 9A của chính ngôi trường này đã giành vị trí thủ khoa ở môn chuyên Văn. Đây là một trong những môn thi có tỷ lệ chọi cao nhất và đòi hỏi nhiều năng lực ở kỳ thi năm nay.

419 học sinh đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành

419 học sinh đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành

Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành vừa công bố danh sách trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2025 - 2026, đánh dấu một năm thành công trong công tác tuyển sinh và thu hút nhân tài. 419 học sinh đã xuất sắc vượt qua kỳ thi đầy cạnh tranh để chính thức trở thành thành viên của ngôi trường danh tiếng này.

Miễn học phí: Mệnh lệnh vì dân, vì tương lai

Miễn học phí: Mệnh lệnh vì dân, vì tương lai

Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết miễn học phí cho học sinh phổ thông theo hướng: học sinh đang học tại các trường công lập được miễn hoàn toàn học phí, và học sinh học tại các trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ học phí bằng mức học phí công lập tương ứng. Đây là tính ưu việt của chế độ ta.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Lào Cai: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Lào Cai: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã khép lại. Đây là năm đầu tiên triển khai thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 12. Bên cạnh đó cũng có những thí sinh thi theo Chương trình GDPT 2006. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Lào Cai diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Chờ đợi với muôn vàn yêu thương

Chờ đợi với muôn vàn yêu thương

Không “nóng” với các bài văn, con số như phía trong phòng thi, phía ngoài trường thi, những người bố, người mẹ cũng đang trải qua kỳ thi của riêng mình. Đó là những lo lắng, hồi hộp và cả những niềm tin, kỳ vọng vào đứa con nhỏ bé của mình.

fb yt zl tw