Biên cương vang điệu hát chèo…

LCĐT - Từ lâu, ngôi nhà của ông Vũ Tuấn Cung ở thôn 2 xã Bản Vược (Bát Xát) trở thành “chiếu chèo” quen thuộc - điểm hẹn văn hóa của các thành viên Câu lạc bộ hát chèo 30/4. Mỗi buổi tập, không gian ngôi nhà nhỏ của ông Cung lại chìm trong âm thanh của tiếng trống cơm tùng tung, tiếng phách lách cách, tiếng đàn nhị réo rắt hòa làn điệu chèo ngọt lịm vang xa. Tất cả những thanh âm ấy gợi về hình ảnh làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình vừa thật gần, vừa diệu vợi.

Chiếc đàn nhị với đôi dây đơn giản bỗng trở nên có hồn, “ngoan ngoãn” rung lên từng nhịp điệu dưới đôi tay thuần thục của ông Cung. Đôi mắt lim dim, đầu lắc lư, mơ màng chìm trong từng giai điệu, nhìn ông Cung không khác gì nghệ sĩ thực thụ. Kết thúc điệu chèo Đào liễu (lời cổ), ông Cung bắt đầu kể về quá trình ra đời của Câu lạc bộ hát chèo 30/4 và nỗi lòng của người con xa quê. Do cuộc mưu sinh, năm 1994, ông rời Vụ Bản (Nam Định) lên Bản Vược sinh sống. Cũng từ đó, Bản Vược trở thành quê hương thứ hai, neo đậu tâm hồn ông đến nay. Hướng tầm mắt ra vạt nắng mơ màng đầu xuân phủ nhẹ trên quả đồi xanh trước nhà, ông Cung như ngược về một thời thanh niên sôi nổi...

Hồi đó, cậu bé Cung mới 15, 16 tuổi đã tích cực tham gia phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Chẳng biết tự bao giờ, những điệu chèo của quê hương đã ngấm tận cùng huyết quản của chàng trai trẻ. Cứ thế, thời gian lặng trôi. Bao năm nhọc nhằn kiếm sống trên vùng quê mới, tưởng như những điệu chèo đã “ngủ quên” trong tâm thức, nhưng không, chính nó đã nâng đỡ, giúp ông vợi đi nỗi nhớ quê hương trong những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn. Và khi bước vào tuổi xế chiều, ông chợt nhận ra, niềm say mê hát chèo của mình vẫn vẹn nguyên như thời tuổi trẻ. Niềm say mê lớn dần, thôi thúc ông cùng một số người trong thôn thành lập Câu lạc bộ hát chèo 30/4 như một sự đền đáp, vọng tưởng quê xa. Trầm tư, ông Cung bảo: “Chúng tôi già rồi, nếu không khơi dậy và truyền lại cho cháu con thì những nét văn hóa truyền thống của quê hương sẽ mai một. Mất một thứ gì về vật chất có thể làm lại trong ngày một ngày hai, nhưng nếu để mất văn hóa sẽ phải cần thời gian rất lâu, thậm chí không thể lấy lại được. Vì vậy, chúng tôi thành lập Câu lạc bộ hát chèo 30/4 nhằm mục đích lưu giữ và truyền bá những nét văn hóa truyền thống của cha ông”.

Điều trăn trở của ông Cung và nhiều thành viên khác không phải không có lý, bởi trong số 18 người trong Câu lạc bộ hiện nay, người cao tuổi nhất trên 70, người ít nhất cũng đã 59 tuổi. Bà Nguyễn Thị Dần, một trong những thành viên đầu tiên của Câu lạc bộ, năm nay 69 tuổi, do sức khỏe giảm sút, giọng hát không còn rền mượt như trước, nên đã chuyển sang cầm phách. Chiếu chèo chẳng cần cầu kỳ, một tay đàn nhị, tay phách, tay trống, thế là “xôm”. Vốn sinh ra trên quê hương Yên Lạc (Vĩnh Phúc), những điệu chèo đã theo bà từ thuở thơ ấu, lớn lên, bà tham gia đội văn nghệ của xã. Bà Dần cho biết: “Vợ chồng tôi gặp nhau cũng vì ông ấy mê giọng hát chèo của tôi. Thế mà đã mấy chục năm rồi!”. Giờ đây, hai vợ chồng bà vẫn “sát cánh” cùng nhau trong Câu lạc bộ hát chèo 30/4. Ngày đầu thành lập, với sự hiểu biết và khả năng của mình, bà Dần tích cực hướng dẫn cho các thành viên khác nhiều điệu chèo cổ.

Không chỉ ông Cung, bà Dần, trong Câu lạc bộ còn có bà Miền, bà Sinh, ông Dần, bà Nhỏ... là những thành viên tích cực vận động, tạo mọi điều kiện để thành lập Câu lạc bộ. Trong câu chuyện, thấy tôi tò mò về tên của Câu lạc bộ, ông Cung giải thích: Vì thành lập đúng ngày 30/4/2014 nên Ban Chủ nhiệm lấy tên Câu lạc bộ hát chèo 30/4 để làm mốc thời gian cho mọi người ghi nhớ. Lúc đầu, Câu lạc bộ có 10 thành viên đều là người miền xuôi lên sinh sống. Số thành viên tăng qua các năm, đặc biệt hơn, Câu lạc bộ còn kết nạp thêm hai thành viên người dân tộc Giáy sinh ra và lớn lên tại xã Bản Vược là Lý Thị Huệ, Phạm Thị Xuân. Trang phục, nhạc cụ và kinh phí trong các cuộc giao lưu biểu diễn đều do các thành viên Câu lạc bộ đóng góp, trong đó bà Nguyễn Thị Lưu là người có điều kiện kinh tế khá hơn đã hỗ trợ thêm một số trang phục. “Tuy còn gặp nhiều khó khăn, song các thành viên đều nhiệt tình tham gia, đây chính là yếu tố tiên quyết để Câu lạc bộ duy trì hoạt động những năm qua”.

Ngoài việc sưu tầm các làn điệu chèo, quan họ, chầu văn, bắt đầu từ tháng 11/2017, ông Cung, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bắt đầu dạy hát chèo cho học sinh Trường Tiểu học Bản Vược, từng bước hiện thực hóa mong muốn của các thành viên Câu lạc bộ là lưu truyền văn hóa truyền thống của quê hương cho thế hệ trẻ. Mặc dù mới chỉ bắt đầu, nhưng ông Cung và những thành viên trong Câu lạc bộ đã và đang rất hào hứng truyền lửa đam mê cho thế hệ con cháu, với niềm hy vọng để những làn điệu chèo vang mãi trên vùng đất biên cương.

Rời Bản Vược trong tiếng hát chèo ngân nga hòa cùng tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng phách lách cách, tiếng trống cơm tùng tung, tôi mừng thầm vì biết đâu trong số học sinh của Trường Tiểu học Bản Vược sẽ có cháu gắn bó và mang tiếng hát chèo đi xa hơn, đến những chân trời tươi đẹp của tương lai. Lòng bỗng nhớ về những vần thơ trong bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm:

...Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ chuyển lửa qua mỗi nhà,

                   từ hòn than qua con cúi

Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói

Họ gánh theo tên xã,

                   tên làng trong mỗi chuyến di dân...

Ông Cung, bà Miền, bà Dần, bà Lưu và biết bao người dân đất Việt không chỉ mang theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân, mà còn mang cả lớp “trầm tích” văn hóa - hồn cốt của quê hương. Dù trải bao sóng gió cuộc đời, văn hóa truyền thống chính là điểm tựa, nâng đỡ tâm hồn họ vượt qua, vững tin vào ngày mai. Văn hóa truyền thống không mất đi mà vẫn âm thầm chảy từ đời này qua đời khác, thông qua những “đại sứ” của riêng mình làm nên sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của dân tộc Việt. Đó là minh chứng cho sức sống trường tồn, tiềm tàng của văn hóa truyền thống và nếu thiếu nó, mất nó, tâm hồn mỗi chúng ta sẽ trở nên cằn cỗi, khô cứng, vô cảm!

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Tìm ra 'Vua tiếng Việt' mới

Chương trình "Vua tiếng Việt" tìm ra chủ nhân mới nhất của ngai vàng và giải thưởng lớn nhất trị giá hơn 300 triệu đồng. Chủ nhân ngai vàng giành chiến thắng trong phần thi về chủ đề Xe.

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Người Xá Phó giữ gìn bản sắc văn hóa

Trong những ngày cuối tuần yên ả, Nhà văn hóa đa năng xã Sơn Thủy cũ (nay là xã Văn Bàn) rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa. Ở đó, anh Lý Văn Tư cùng các thành viên Câu lạc bộ dân gian dân tộc Xá Phó say sưa tập luyện.

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Hành trình rạng rỡ Hoa hậu Việt Nam 2024

Từ sân khấu nổi lần đầu tiên trên sông Hương, chuỗi truyền hình thực tế đầu tiên, đến loạt danh hiệu đại sứ mới, Hoa hậu Việt Nam 2024 đã tạo nên một hành trình đậm tính thời đại. Bên cạnh mục tiêu tôn vinh nhan sắc, cuộc thi còn góp phần định nghĩa lại vai trò của hoa hậu trong xã hội hôm nay.

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Lễ Tủ Cải của người Dao đầu bằng ở Tam Đường: Dấu mốc trưởng thành và bản sắc văn hóa

Trong đời sống cộng đồng người Dao đầu bằng tại Tam Đường, tỉnh Lai Châu, lễ Tủ Cải là nghi lễ đánh dấu bước trưởng thành của người con trai. Người Dao nơi đây quan niệm rằng, để được cộng đồng công nhận và sau này khi mất đi có thể trở về với tổ tiên, mỗi người con trai nhất định phải trải qua nghi lễ này.

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Việt Nam ngày càng hút các đoàn làm phim ngoại

Đà Nẵng - thành phố biển sôi động của miền Trung; Ninh Bình - vùng đất sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp hay Phú Yên nơi “Hoa vàng trên cỏ xanh”… đang ngày càng khẳng định sức hút đặc biệt đối với các đoàn làm phim trong và ngoài nước.

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Thanh niên bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh, thanh niên chính là cầu nối đưa văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại, đồng thời là lực lượng góp phần lan tỏa bản sắc Việt Nam ra thế giới.

Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Hạnh phúc của gia đình nhiều thế hệ

Giữa nhịp sống hiện đại, việc nhiều thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình lựa chọn giữ gìn nếp sống truyền thống ấy, không chỉ vì thuận tiện trong sinh hoạt mà còn bởi giá trị tinh thần to lớn và vì sự yêu thương, sẻ chia, gắn bó giữa các thế hệ.

fb yt zl tw