Trước tình hình đó, các đơn vị Biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa khẩu, đường mòn, lối mở để ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Ngăn chặn nhiều vụ nhập lậu gia súc, gia cầm
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm qua biên giới không những làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới, mà còn làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm cho các đàn gia súc, gia cầm trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và sức khỏe người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý hoạt động vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới, Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là Bộ Tư lệnh BĐBP quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác trên.
Thực tế, thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo 389 địa phương chỉ đạo các ngành, các cấp, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức về những nguy cơ do hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép qua biên giới. Qua đó, người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, không tham gia tiếp tay, tích cực tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hành vi mua bán, vận chuyển trái phép vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới.
Cùng với công tác tuyên truyền, từ tháng 1/2023, BĐBP đã xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm. Kết quả, phát hiện, bắt giữ hơn 101 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm, 227 con gia súc (lợn, trâu, bò, lạc đà), 128.068 con gia cầm, 23.300 quả trứng gia cầm.
Điển hình là ngày 5/3, BĐBP Lào Cai chủ trì, phối hợp với Công an, Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai kiểm tra ô tô biển kiểm soát 24C-105.78 do Dương Văn Ngọc, sinh năm 1992, trú tại số 23, đường Triệu Quang Phục, phố Mới, thành phố Lào Cai điều khiển vận chuyển 8,2 tấn thực phẩm đông lạnh (tai lợn) không có giấy tờ. Ngày 17/3, BĐBP Cao Bằng phát hiện, bắt giữ 24 con trâu đang được vận chuyển trái phép qua biên giới. Trong 2 ngày 25/9 và 11/10, BĐBP Cao Bằng phát hiện, bắt giữ các đối tượng vận chuyển trái phép qua biên giới 19.500 con gà giống và 16.012 quả trứng vịt. Ngày 5/9, BĐBP Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ 32.000 con gà giống và 4.400 quả trứng vịt... Các vụ việc trên đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó, có những vụ việc được BĐBP khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi
Nước ta có đường biên giới dài với nhiều đường mòn, lối mở, nhiều khu vực có địa hình bằng phẳng, qua lại dễ dàng. Mặt khác, đời sống của người dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị các đối tượng lợi dụng để tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Trong khi đó, lực lượng tham gia đấu tranh còn mỏng và trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm còn thiếu thốn. Hơn nữa, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi đã tạo những khó khăn nhất định cho BĐBP.
Phân tích thủ đoạn hoạt động của tội phạm, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết, đối với gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh, các đối tượng thường tập kết hàng hóa ở phía ngoại biên đối diện, lợi dụng đêm tối, mưa dông hoặc thời điểm lực lượng chức năng thay ca hoặc thực hiện nhiệm vụ việc đột xuất để vận chuyển qua đường mòn, lối mở, sông suối biên giới vào trong nước tiêu thụ. Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn sử dụng các bè, mảng trá hình hoạt động khai thác hải sản của ngư dân tại khu vực vùng biển tiếp giáp nước ngoài để móc nối, nhập lậu, mua bán, vận chuyển trái phép con giống, trứng gia cầm và thực phẩm đông lạnh.
Đối với trâu, bò, đối tượng buôn lậu lợi dụng tập quán chăn thả gia súc hai bên biên giới để trà trộn, nhập đàn vào các đàn trâu, bò của cư dân Việt Nam chăn thả trên biên giới, đưa vào nội địa hoặc xé lẻ thuê mỗi cư dân ở địa bàn dắt qua biên giới. Cá biệt, có trường hợp nhân dân khu vực biên giới thuê đất, trang trại ở phía Lào, Campuchia chăn nuôi, khi bán trâu bò thì vận chuyển qua biên giới. Quá trình đấu tranh, ngăn chặn hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới, BĐBP đã phát hiện trường hợp đối tượng có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, thủ tục, liên quan đến hồ sơ nhập khẩu và hành vi đối tượng cấu kết, hợp thức gia súc, gia cầm nhập lậu vào các đàn đang chăn nuôi trên địa bàn để đưa vào nội địa tiêu thụ.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, thời gian tới, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ gia súc, gia cầm của nhân dân tăng cao, nền sản xuất trong nước còn gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... tiềm ẩn nguy cơ hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm phức tạp. Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, lối mở, đường mòn biên giới và trên biển. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường áp dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, chủ động phát hiện hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm để triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh, ngăn chặn.
Cùng với đó, BĐBP sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới nâng cao nhận thức pháp luật, tích cực tố giác tội phạm, không tham gia, không tiếp tay cho tội phạm. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo 389 địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức kiểm soát, thống kê các đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn khu vực biên giới, kịp thời phát hiện sự biến động, gia tăng đột biến về số lượng, truy xuất nguồn gốc, chủ động phát hiện, ngăn chặn hành vi cấu kết, hợp thức gia súc, gia cầm nhập lậu vào các đàn đang chăn nuôi trên địa bàn để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.