Bão lũ và những điều mất - được

Thiên tai, bão lũ hay bất cứ một sự rủi ro nào là điều chẳng ai mong muốn. Có điều trong hoạn nạn, mỗi người Việt Nam chúng ta mới thật sự có trải nghiệm, cảm nhận, thấu hiểu được đâu là mất mát, đau thương, đâu là giá trị của yêu thương, hạnh phúc. Qua cơn bão số 3 đã phần nào khắc họa giá trị đó.

Mất mát và đau thương

Dải đất hình chữ S đã phần nào nói lên đặc trưng sinh tồn của đất nước và con người Việt Nam, đó là “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Lịch sử hàng ngàn năm “lớp cha trước, lớp con sau” cần mẫn mở mang bờ cõi, vun vén, giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, vùng biển đã minh chứng cho tinh thần Việt Nam. Đó còn là tinh thần kiên cường, bất khuất, chịu thương, chịu khó, vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt nhất của thiên tai.

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, dẫn đến thảm họa về mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương… Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.

z5822238926682_6b2c8aafcb6b237cd47de83f7ea4f571.jpg
Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) phải hứng chịu trận sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng.

Tại Lào Cai, do đặc điểm về địa hình, lịch sử hình thành, phát triển, gìn giữ biên cương của Tổ quốc, người dân Lào Cai đã tích lũy nhiều tri thức dân gian, kinh nghiệm trong ứng xử với thiên nhiên và đối phó với thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng trước sự tàn phá ngoài sức tưởng tượng, hoàn lưu bão số 3 đã để lại hậu quả rất nặng nề, to lớn chưa từng có trong lịch sử. Thống kê sơ bộ từ ngày 7/9 đến ngày 19/9/2024, cơn bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã làm 150 người chết và mất tích (chiếm 45,5% tổng số người chết và mất tích của các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng), 86 người bị thương. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, sản xuất bị thiệt hại nặng nề… Ước tổng thiệt hại gần 6 nghìn tỷ đồng (bằng khoảng 2/3 tổng thu ngân sách nhà nước của Lào Cai năm 2023).

z5823795090436_2ba6614be46fcef33f0c14ae5b958279.jpg
Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm người mất tích.

Cùng với thiệt hại to lớn và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 cách đây 3 năm, thiệt hại “kép” đến từ cơn bão số 3 đã để lại những hậu quả rất nặng nề, hiếm có trong lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của Lào Cai cũng như cả nước.

Và những giá trị khi cho đi - nhận lại

Bàng hoàng, đau thương, mất mát do hậu quả của cơn bão và hoàn lưu bão để lại đối với người dân Lào Cai và nhiều tỉnh, thành phía Bắc là rất lớn và còn mất nhiều thời gian mới khắc phục được. Nhưng trong bão lũ, hoạn nạn, chúng ta cũng được cho đi và nhận lại, cảm nhận sâu sắc nhiều giá trị lớn lao, thiêng liêng.

z5833684542446_2767f27094587f4dd397cac57a9972a9.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát điểm xây dựng khu tái định cư cho Làng Nủ. Ảnh CTV

Trong sự tàn khốc, đau thương của bão lũ, tinh thần thương yêu, đùm bọc, nghĩa đồng bào với truyền thống “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” của Nhân dân cả nước lại có dịp bùng cháy và lan tỏa hơn bao giờ hết. Tinh thần ấy, truyền thống tốt đẹp ấy đã biến thành sức mạnh và nguồn lực to lớn, vượt qua mọi giới hạn về không gian địa lý, vượt qua hiểm nguy, gian khó, kết nối hàng triệu trái tim những người yêu nước với nhau. Khi cơn bão số 3 đang hoành hành ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội đến khi hoàn lưu của bão ảnh hưởng gây mưa rất lớn, nước dâng, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc chúng ta đã chứng kiến và thật sự xúc động trước rất nhiều hành động rất đẹp, nhân văn.

a1-9339.jpg
1-4290.jpg
Nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm chuyển hàng thiết yếu hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai. Ảnh P.V

Đó là hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương không quản cách trở, lội bùn nước, vượt hiểm nguy đến động viên, chia sẻ với người dân, đưa ra những quyết định nhanh chóng hợp lòng dân về cứu trợ, tái thiết cuộc sống sau lũ. Đó là hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, dân quân, tự vệ, cán bộ cơ sở xả thân băng mình cứu dân trong dòng lũ dữ, giúp dân sơ tán, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp nhà cửa trong và sau lũ. Đó là hình ảnh của những người dân đã dùng phương tiện ô tô để che chở cho người đi đường hoặc đón lên xe để bảo đảm an toàn khi cơn bão đang điên cuồng càn quét. Đó là hình ảnh của những cán bộ cơ sở vùng cao với đôi chân không mỏi đã băng rừng, vượt suối để tiếp cận sớm nhất hiện trường, cứu giúp người dân bị nạn trong điều kiện sạt lở đồi núi, giao thông chia cắt, liên lạc gián đoạn, đói khát. Đó là việc nhiều nhà xe, doanh nghiệp vận tải tự nguyện nhận vận chuyển miễn phí người, hàng hóa của người dân vùng lũ hoặc hàng cứu trợ đến vùng lũ…

5-8622.jpg
Giúp người dân vùng thiên tai vận chuyển hàng cứu trợ. Ảnh: Quỳnh Trang

Trên khắp cả nước, từ miền Nam, miền Trung và nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã có hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ ngày đêm miệt mài vượt quãng đường dài, hiểm nguy, vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và hàng nghìn hội, nhóm, tổ chức, cá nhân thiện nguyện quyên góp vật chất, đồ dùng thiết yếu, tiền cho người dân vùng lũ; tự nguyện sửa chữa miễn phí thiết bị gia dụng, phương tiện đi lại bị hỏng hóc do mưa lũ cho người dân; hàng triệu lời nhắn gửi sẻ chia, động viên của đồng bào cả nước gửi đến người dân và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành bị thiệt hại bởi mưa bão.

dd8d8cc73fd0998ec0c1.jpg
Các đơn vị, tổ chức hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất. Ảnh: Giàng Măng

Không chỉ người dân vùng bị thiệt hại được nhận sự chia sẻ mà ngay cả nhiều đoàn thiện nguyện cũng nhận lại nhiều tình cảm và sự yêu thương của người dân địa phương. Với Lào Cai, đó là hình ảnh rất đẹp và xúc động khi rất nhiều người dân hai bên đường có các đoàn xe thiện nguyện đi qua hoặc khu vực ít chịu ảnh hưởng tại huyện Bảo Thắng, thành phố Lào Cai đã tự nguyện quyên góp, chung tay nấu những bữa cơm/suất cơm miễn phí 0 đồng phục vụ các đoàn thiện nguyện bất kể ngày đêm, sớm tối; nhiều khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và nhiều nơi khác mời gọi các đoàn thiện nguyện đến nghỉ miễn phí… Và còn biết bao hành động, nghĩa cử cao đẹp không thể kể hết của đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân trên khắp cả nước, cả ở nơi bị thiệt hại, cả ở những vùng an toàn dành cho nhau.

Với tinh thần và truyền thống “Thương người như thể thương thân” ấy, mặc dù thời gian phát động chưa dài nhưng đến 17 giờ ngày 18/9/2024, số tiền của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước chuyển vào tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 lên tới hơn 1.432 tỷ đồng. Tại Lào Cai, đến ngày 20/9/2024, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đăng ký ủng hộ và ủng hộ, với tổng kinh phí hơn 166 tỷ đồng. Đây là những nguồn lực rất quan trọng và cần thiết để hỗ trợ người dân phần nào vơi đi mất mát, thiệt thòi, sớm vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống mới.

Cốt cách và lịch sử văn hóa hào hùng, văn minh văn hiến, truyền thống đoàn kết, yêu nước, thương nòi, tinh thần tương thân, tương ái, thương người như thể thương thân của người Việt Nam như mạch nguồn bất tận vẫn âm ỉ và miệt mài chảy trong huyết quản mỗi người dân đất Việt. Và như khái quát về “6 điểm tựa Việt Nam” của Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta có niềm tin người dân Lào Cai cũng như các tỉnh, thành phố chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 sẽ chiến thắng khó khăn, thử thách, sớm vượt qua đau thương, mất mát của thiên tai để xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc, bình an.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai và tổ chức dạy học tại huyện Bắc Hà, Si Ma Cai

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai và tổ chức dạy học tại huyện Bắc Hà, Si Ma Cai

Ngày 10/10, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác của tỉnh đã kiểm tra thực tế tình hình khắc phục hậu quả thiên tai và việc tổ chức dạy học tại một số trường học trên địa bàn huyện Bắc Hà, huyện Si Ma Cai.

Đưa du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn”

Đưa du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn”

Những năm trước, khi nhắc tới Bát Xát, nhiều người ví vùng đất này như “nàng công chúa ngủ trong rừng” bởi phong cảnh hùng vĩ, thơ mộng, giàu bản sắc văn hóa nhưng ít người biết tới. Khoảng 5 năm gần đây, du lịch Bát Xát mới được “đánh thức” và địa phương xác định mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sáng 10/10, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Quyết tâm xây dựng Bát Xát trở thành huyện phát triển của tỉnh

75 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Bát Xát (10/10/1949 - 10/10/2024): Quyết tâm xây dựng Bát Xát trở thành huyện phát triển của tỉnh

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, trở thành địa phương biên giới phát triển của tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị và đồng bào các dân tộc huyện đã và đang thể hiện quyết tâm để đạt kết quả cao nhất. 

fbytzltw