Bảo đảm an toàn thông tin cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Hiện nay, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu không muốn bị tụt hậu. Điều này đặt ra trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn tối ưu để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Thực tế cho thấy, Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Theo ước tính từ Temasek Holding - tập đoàn đầu tư thuộc Chính phủ Singapore, quy mô tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ (GMV) của kinh tế số Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 30 tỷ USD năm 2023 lên 43 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh cũng đặt ra yêu cầu ngày một cao về bảo đảm an toàn thông tin khi hoạt động tấn công mạng doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng. Báo cáo mới đây của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã xử lý hơn 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố tấn công mạng đặc biệt nghiêm trọng.

Phổ biến nhất là hoạt động tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhắm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông. Số lượng vụ tấn công vào hệ thống mạng, thông tin của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã gây ra thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã bị thiệt hại tới 17.300 tỷ đồng bởi các hành vi tấn công mạng của tin tặc.

Dù vậy, tại Việt Nam, số tổ chức, doanh nghiệp có nhận thức đúng đắn, nghiêm túc trong việc đầu tư vào hệ thống an toàn thông tin mạng và sử dụng các phần mềm bản quyền, độ bảo mật cao hiện không nhiều. Tỷ lệ kinh phí dành cho an toàn thông tin trên ngân sách phục vụ đầu tư công nghệ thông tin tại phần lớn doanh nghiệp đang ở mức dưới 5%.

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, các doanh nghiệp cũng bố trí ít nhân lực cho công tác này. Hậu quả là nhiều doanh nghiệp đã bị đình trệ, tạm thời dừng hoạt động do không thể ngăn chặn, xử lý kịp thời các cuộc tấn công mạng và sự cố an toàn thông tin. Ngoài ra, tình trạng sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền ở Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Theo ông Adam Coates, Tổng Cố vấn của Liên minh Phần mềm (BSA), sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì những phần mềm lậu làm giảm bảo mật dữ liệu khiến các doanh nghiệp có nguy cơ bị tấn công mạng, rò rỉ thông tin và dễ dàng nhiễm phần mềm độc hại.

Từ đây cho thấy nếu không giải quyết bài toán an toàn thông tin, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải đối mặt với thiệt hại về tài chính, sự giảm sút lòng tin của khách hàng và nghiêm trọng hơn là làm mất an toàn không gian mạng quốc gia. Tăng cường chi phí cho nhân lực, phần mềm, giải pháp về bảo mật thông tin chính là giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu. Hiện mức giá các dịch vụ an toàn thông tin mạng do các tập đoàn quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực này cung cấp là khá cao.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước có thể tìm đến các giải pháp, sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin mạng của Việt Nam bởi lẽ các công ty an ninh mạng tại Việt Nam có hiểu biết cụ thể và khả năng giải quyết sự cố nhanh và linh hoạt hơn, chi phí thấp hơn so với đối tác nước ngoài. Cần nhìn nhận rằng, an toàn thông tin mạng không chỉ là một vấn đề kỹ thuật mà còn là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Do đó, đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp chú trọng tìm kiếm các giải pháp an ninh, bảo mật thông tin phù hợp nhằm bảo vệ bản thân và lợi ích của khách hàng.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID từ ngày 1/10

Lào Cai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID từ ngày 1/10

Trong tháng 9, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản 5003/UBND-KSTT về việc triển khai thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Theo đó, Lào Cai sẽ triển khai thí điểm việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID cho công dân có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 từ ngày 1/10/2024.

Chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị

Chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị là đơn vị đầu tiên thực hiện chuyển đổi số trong bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở qua internet. Kết quả bước đầu gợi mở hướng đi hiệu quả, tăng số lượng học viên và nâng cao chất lượng bồi dưỡng lý luận chính trị, khắc phục khó khăn về khoảng cách địa lý và kinh phí của các địa phương.

fbytzltw