Sinh viên Việt Nam tại Australia. Ảnh tư liệu
Theo bài viết đăng tải trên trang mạng SBM News của Campuchia mới đây, nhiều công ty công nghệ cao và đổi mới sáng tạo đang quay trở lại Việt Nam, qua đó không chỉ thúc đẩy chuỗi cung ứng đồ điện tử, mà còn đẩy mạnh nền kinh tế số vốn đang phát triển nhanh chóng. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam nhận thức được ưu điểm và lợi thế cạnh tranh của việc cử sinh viên đi du học ở nước ngoài, nhất là tại các trường đại học danh tiếng để củng cố nguồn lực của đất nước.
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn báo trên cho biết số liệu thống kê cho thấy Việt Nam dẫn đầu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc cử sinh viên đi du học nước ngoài. Tiếp đến là Indonesia, Malaysia xếp thứ 3, Thái Lan xếp thứ 4... Trên thực tế, Việt Nam đã cử sinh viên đi du học nước ngoài nhiều hơn quốc gia láng giềng trong quãng thời gian dài. Theo số liệu của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), số lượng sinh viên được Chính phủ Việt Nam cử đi học ở nước ngoài lên tới hàng chục nghìn người.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp đã lựa chọn quay trở lại sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng toàn cầu, sức hấp dẫn đối với các tập đoàn lớn như LG và Alibaba đã tăng lên.
SBM News dẫn dữ liệu nghiên cứu mới đây của Google về 6 quốc gia lớn ở Đông Nam Á và cho biết Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực, cả về quy mô kinh tế số vào năm 2025, cũng như trong khuôn khổ các thỏa thuận đầu tư giai đoạn từ năm 202 5- 2030.