Tham dự hội nghị có các phòng, chi cục (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); đại diện UBND các huyện, thị xã thành phố; phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế, trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã; đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Năm 2022, tổng sản lượng xuất chuồng các loại gia súc, gia cầm là hơn 73 nghìn tấn, đạt 112,4% kế hoạch năm. Sản lượng thịt hơi bình quân/người/năm đạt 95 kg, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (khoảng 62 - 68 kg). Sản lượng trứng bình quân đầu người 90 quả/người/năm. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh (chủ yếu là lợn đen và gia cầm).
Toàn tỉnh hiện có 269 trang trại chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi trang trại, trong đó có 153 trang trại chăn nuôi có giá trị sản xuất đạt từ 2 tỷ đồng/năm trở lên, 10 cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao và 3 chuỗi sản phẩm chăn nuôi.
Con giống gia súc lớn và giống lợn được người dân chủ động sản xuất tại chỗ là 98% (chỉ nhập số lượng nhỏ giống lợn ông bà, bố mẹ để nhân giống). Giống gia cầm hằng năm nhập từ các tỉnh đạt khoảng 55% (trên 4 triệu con).
Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2022 đạt gần 6.500 tỷ đồng, chiếm trên 40% cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng trưởng ngành chăn nuôi đạt 7,9%.
Về thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.275 ha mặt nước ao, hồ nhỏ nuôi thủy sản nước ấm và 75.000 m3 bể nuôi cá nước lạnh. Sản lượng thủy sản năm 2022 đạt 11.805 tấn, đạt 105,4% kế hoạch năm, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2021. Con giống cá nước ấm sản xuất tại chỗ đáp ứng trên 70% nhu cầu chăn nuôi, giống cá nước lạnh chủ yếu nhập trứng về ấp nở. Giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt trên 744 tỷ đồng, tăng trưởng ngành thủy sản đạt 7%.
Tuy nhiên, chăn nuôi tại Lào Cai được đánh giá là thiếu tính bền vững, còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; trình độ kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu; ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi chưa cao. Một số huyện chưa có cơ sở, điểm giết mổ đảm bảo quy định, vì vậy công tác kiểm soát giết mổ khó kiểm soát, nguy cơ cao làm phát tán dịch bệnh qua khâu giết mổ, tiêu thụ thịt. Liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm mới bắt đầu hình thành, quy mô nhỏ, tính liên kết chưa bền vững.
Giống vật nuôi bản địa chủ yếu được người dân sản xuất theo truyền thống, dẫn đến tình trạng cận huyết suy giảm chất lượng. Giống lợn bản địa có nhược điểm tỷ lệ mỡ cao, năng suất sinh sản thấp. Giống thủy sản nước lạnh chủ yếu là nhập khẩu trứng đã thụ tinh về ấp nở, chưa chủ động sản xuất tại chỗ. Chăn nuôi còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, dễ phát sinh dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thành phố Lào Cai, thị trấn Si Ma Cai, thị trấn Mường khương và phường Sa Pả, thị xã Sa Pa. Có 586 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm.
Hội nghị đã đưa ra giải pháp phát triển nâng cao giá trị ngành chăn nuôi, thủy sản như: Xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế, cơ chế chính sách ngành chăn nuôi, thủy sản; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi, thủy sản; chủ động nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh; tổ chức sản xuất gắn với thị trường, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, khuyến khích sản xuất theo chuỗi khép kín, kinh tế tuần hoàn; ứng dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi, nuôi thủy sản; tăng cường chế biến, chế biến sâu gắn với xúc tiến thị trường thương mại…
Các đại biểu cũng thảo luận, bàn giải pháp quản lý giết mổ gia súc đảm bảo an toàn thực phẩm, như: Cần đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại các địa phương; tăng cường quản lý hoạt động giết mổ động vật, xử lý các trường hợp vi phạm về kinh doanh giết mổ gia súc, bày bán sản phẩm động vật; quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ theo quy định...