Kết nối 3 huyện 30a:

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 1
Khu vực ba xã Tả Thàng (Mường Khương), Nàn Sín (Si Ma Cai), Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) với nhiều tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp và du lịch nhưng chưa được khai thác.

LCĐT - Từ trung tâm xã Tả Thàng (Mường Khương) phóng tầm mắt về phía xa, bên kia thung lũng sông Chảy là xã Nàn Sín (Si Ma Cai) và Hoàng Thu Phố (Bắc Hà). Điểm kết nối 3 xã thuộc 3 huyện 30a là địa danh thác Mới, theo người dân địa phương, trước khi thủy điện dâng nước, đoạn sông Chảy qua đây là một thác nước lớn. Tại vị trí này, dự án xây dựng cầu qua sông Chảy đang được các huyện đề xuất, tạo tiền đề cho việc kết nối liên huyện, liên vùng, mở ra cơ hội khai thác tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch nơi đây.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 2

Thượng nguồn sông Chảy đoạn qua các huyện: Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương được gọi là sông Xanh. Dòng sông nhỏ hẹp, nhiều thác ghềnh, địa hình hai bên bờ dốc đứng khiến việc kết nối gặp nhiều khó khăn. Từ khi thủy điện Bắc Hà dâng nước, dòng sông hung dữ trước kia đã trở thành lòng hồ, các bến thuyền mọc lên hai bên bờ. Nhiều năm qua, vận tải đường sông trở nên quen thuộc với người dân trong vùng, ngày có chợ phiên, thuyền chở hành khách, hàng hóa xuôi, ngược trên sông.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 3
Hạ tầng giao thông kết nối ở các xã ven thượng nguồn sông Chảy còn nhiều khó khăn.

Mặc dù vậy, đường sông mới giải quyết được vận tải hàng hóa thiết yếu, việc kết nối qua sông vẫn là một thách thức lớn. Từ Bản Mế đến Cốc Ly qua địa bàn 12 thôn thuộc 3 huyện, nhưng mới có 2 cây cầu. Những vùng đất ven sông thường là nơi có đất đai trù phú, dân cư tập trung, đời sống sung túc, thế nhưng trên thực tế, những xã ven sông Chảy của 3 huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương hầu hết là nghèo. Cả một vùng dân cư rộng lớn có hàng nghìn hộ với nhiều tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp và du lịch nhưng lại thiếu kết nối khiến khu vực này trở thành lõi nghèo của tỉnh.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 4
Căn nhà gỗ được thiết kế hiện đại với nhiều công năng sử dụng nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Trong số 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh thì khu vực ven sông Chảy của 3 huyện này chiếm tới 1 nửa, gồm các xã: Hoàng Thu Phố (Bắc Hà), Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin, La Pan Tẩn, Tả Thàng (Mường Khương). Theo báo cáo của UBND xã Tả Thàng, trong tổng số 533 hộ của xã thì có 122 hộ cận nghèo (chiếm 22,9%), 390 hộ nghèo (chiếm 73,31%). Trong khi đó, theo báo cáo của UBND xã Hoàng Thu Phố, hiện xã còn 438 hộ nghèo (chiếm 76,17%), 89 hộ cận nghèo (chiếm 15,48%). Xã Nàn Sín cũng còn tới 80% hộ nghèo và cận nghèo. Các xã còn lại cũng chưa thực sự nổi bật so với mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 5

Trong buổi làm việc mới đây với Đoàn công tác của UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Mường Khương đã đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng cầu qua sông Chảy kết nối xã Tả Thàng (huyện Mường Khương) với xã Nàn Sín (huyện Si Ma Cai), tổng kinh phí khoảng 58,5 tỷ đồng và được Chủ tịch UBND đồng ý chủ trương.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 6
Xã Tả Thàng với sản phẩm chè cổ thụ nổi tiếng sẽ có nhiều cơ hội phát triển nếu giao thông được kết nối tạo đà cho giao thương, trao đổi hàng hóa.

Bên phía xã Tả Thàng, vị trí dự kiến xây dựng cầu tại thôn Páo Máo Phìn A, hiện từ trung tâm xã đến bờ sông đã có tuyến đường kết nối, tuy nhiên đây mới chỉ là đường đất phục vụ bà con đi vào khu sản xuất, khi dự án xây dựng cầu được triển khai, huyện Mường Khương sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường này để kết nối với Tỉnh lộ 154. Ông Thào Páo Dình, Chủ tịch UBND xã Tả Thàng cho biết: Cây cầu hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường ngắn từ thành phố Lào Cai đến Si Ma Cai, khi đó Tả Thàng sẽ là điểm kết nối quan trọng, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi hàng hóa của bà con.

Mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân ảnh 7
Kiến trúc, cảnh quan nông thôn Lào Cai với nhiều nét đặc trưng nếu được bảo tồn và giữ gìn sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Bà Bùi Thị Chung, Chủ tịch UBND xã Nàn Sín cũng hồ hởi với triển vọng cây cầu được triển khai xây dựng. Cùng với đó, 5 km đường bê tông từ trung tâm xã xuống bờ sông Chảy cũng đang có kế hoạch đầu tư, tất cả sẽ tạo thuận lợi để phát triển du lịch, nuôi thủy sản tại khu vực này.

Thực tế ở nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh cho thấy đều có một điểm chung, đó là khả năng kết nối giao thông kém. Trong các đánh giá của Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của tỉnh cũng chỉ ra nguyên nhân này, tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên chưa thể giải quyết cùng lúc nhiều điểm nghẽn. Giai đoạn này, tỉnh Lào Cai đã xác định kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, do đó, hy vọng về tuyến đường kết nối 3 huyện 30a sẽ sớm trở thành hiện thực, phá thế độc đạo của các khu vực ven thượng nguồn sông Chảy, mở hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh nơi đây, giúp người dân sớm thoát nghèo bền vững.

                  Nội dung: Mạnh Dũng

Trình bày: Ngọc Luyến

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội dung liên quan trực tiếp, tác động sâu rộng tới quyền và lợi ích của người lao động. Một trong những vấn đề người lao động, nhất là lao động nữ quan tâm là quy định về trợ cấp thai sản. Chính sách nêu trên có vị trí quan trọng trong hệ thống BHXH, ảnh hưởng đến nhiều người lao động trong xã hội và cả thế hệ tương lai đất nước.

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Người trẻ thiếu kỹ năng mềm

Tôi có đứa em họ học ngành Dược, ra trường đi làm 2 năm nhưng thay đổi công việc 3 lần, với lý do “chưa tìm được công ty phù hợp”. Người ta phàn nàn cậu “ít nói, ngại giao tiếp” cho dù chuyên môn không hề kém.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 ở Lào Cai

Sau bốn năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Lào Cai đã tập trung các nguồn lực, triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thành phần của Chương trình. Từ đó, tạo sinh kế, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Nỗi niềm của người cao tuổi không có lương hưu

Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 24.000 người đang được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, chỉ chiếm khoảng 31,3% tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh, số còn lại nhiều người phải chật vật mưu sinh với nỗi lo cơm áo và bệnh tật khi không có thu nhập ổn định.

fb yt zl tw