“Viên ngọc” của du lịch Lào Cai

Y Tý từ “viên ngọc” của các vị thần trong truyền thuyết đang trở thành vùng du lịch có tiếng của tỉnh và cả nước.

“Viên ngọc” của các vị thần

Ngày cuối năm, chú em người Hà Nhì trên thôn Mò Phú Chải, xã Y Tý (Bát Xát) gọi điện thoại mời tôi lên đón tết Ga Tho Tho - tết cổ truyền của người Hà Nhì. Theo phong tục, vào tháng 11 âm lịch, các gia đình người Hà Nhì thường mổ lợn đón tết sớm, đây cũng là dịp tổng kết một năm nông nghiệp, dâng lễ vật cúng tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ gia đình trong năm cũ, chuẩn bị đón xuân mới. Lên Y Tý, không chỉ được trải nghiệm đón tết sớm với đồng bào Hà Nhì, chúng tôi còn được ngồi bên bếp lửa nghe chuyện kể về những truyền thuyết, huyền thoại cổ xưa của người Hà Nhì.

Ông Ly Seo Chơ (hơn 80 tuổi) người cao tuổi trong cộng đồng người Hà Nhì ở thôn Lao Chải nói, trong văn hóa của người Hà Nhì luôn tôn thờ 4 vị thần là thần lửa, thần nước, thần đất và Thần Rừng. Biểu tượng của thần lửa là hòn đá nhỏ được người Hà Nhì đặt cố định bên cạnh bếp lửa của gia đình để giữ ấm và mang lại may mắn cho gia đình người Hà Nhì. Còn bàn thờ thần nước được đặt ở nguồn nước chung của cả thôn, nơi diễn ra lễ cúng nguồn nước vào tháng Giêng hằng năm, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Từ xưa đến nay, người Hà Nhì sống dựa vào ruộng bậc thang, nên thần đất rất được coi trọng. Tháng 6 hằng năm, người Hà Nhì thường tổ chức lễ hội Khu Già Già, mổ trâu hiến tế thần linh, cầu cho người an, vật thịnh, đời sống ấm no. Mỗi thôn của người Hà Nhì đều có khu rừng thiêng ở vị trí cao nhất thôn là nơi thờ cúng thần rừng. Người Hà Nhì quan niệm: Thôn, bản có bình yên, người có mạnh khỏe, vật nuôi có sinh sôi, cây trồng có tươi tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào rừng thiêng.
Cùng với tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng của người Hà Nhì, khi đến nghỉ tại các homestay của người dân bản địa, chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như thịt lợn sấy, canh gà đen nấu rau Pạ Phì, bánh thảo quả, cá hồi nướng mầm thảo quả… Dưới sân ngôi nhà tường đất cổ, đống lửa rực cháy, các cô gái Hà Nhì trong trang phục thổ cẩm xanh truyền thống trình diễn điệu dân vũ độc đáo và bài dân ca mang âm hưởng của núi rừng. Với vẻ đẹp của vùng đất có thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, thơ mộng, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, Y Tý còn nhiều điều huyền bí được ví như “viên ngọc” quý của các vị thần.

Vùng đất hoang sơ níu chân du khách

Vượt hơn 300 km từ Bắc Ninh lên Lào Cai du lịch, điểm đến mà anh Ngô Quang Hà lựa chọn trải nghiệm là vùng đất xa xôi và hoang sơ Y Tý. Đến đây, anh ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cung đường leo núi Lảo Thẩn, biển mây bồng bềnh dưới thung lũng, trên sườn núi hoặc thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, những ngôi nhà trình tường độc đáo của đồng bào Hà Nhì. Anh Ngô Quang Hà chia sẻ: Thật vui khi mình được biết đến nơi này, một nơi lý tưởng để trải nghiệm với thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, mến khách. Đã đến Y Tý một lần thì mình sẽ còn quay trở lại đây.

Cùng cảm xúc như anh Hà, phần lớn du khách khi đến với Y Tý thường có những ấn tượng khó quên về vùng đất này. Y Tý nằm ở độ cao từ 1.400 đến trên 2.200 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, với những bản làng dân tộc Hà Nhì, Mông, Dao giàu bản sắc văn hóa. Y Tý còn là thiên đường “săn” mây của giới trẻ với các tuyến du lịch đi bộ, dã ngoại kết nối đến các bản làng dân tộc ở địa phương. Theo tính toán của địa phương, trong những năm gần đây, mỗi năm Y Tý đón khoảng 16.000 lượt du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Anh Gôn - hướng dẫn viên du lịch tự do chuyên dẫn khách leo núi Lảo Thẩn, khám phá Y Tý bảo, trong 2 tháng qua, anh đưa gần 200 khách Hà Nội và các tỉnh lên Y Tý. Còn những năm trước, khi dịch bệnh chưa ảnh hưởng nhiều, lượng khách đến với Y Tý còn cao hơn, mỗi tuần đưa cả chục khách đến “thiên đường mây”. Còn Ly Xá Xuy, chàng trai trẻ người Hà Nhì mở homestay đón khách du lịch cho biết, tuy năm nay dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến du lịch, nhưng những ngày cuối tuần, homestay của anh thường đón 20 - 30 khách.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch và sức hút của Y Tý đối với du khách, năm 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Y Tý, với mục tiêu đưa vùng đất này trở thành khu du lịch theo hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá cảnh quan và bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, du lịch nông nghiệp ôn đới… Trước đó, trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9/2016, Y Tý cũng là một phân khu quan trọng nhằm giảm tải lượng khách cho Khu Du lịch quốc gia Sa Pa trong tương lai.

Phát triển Y Tý thành điểm sáng du lịch

Trong các thôn, bản của người Hà Nhì ở Y Tý đang hấp dẫn du khách tới tham quan thì Choản Thèn là thôn được xã, huyện lựa chọn làm điểm để phát triển du lịch cộng đồng. Ông Sần Hờ Lù, người tiên phong đầu tư homestay cho du khách lưu trú ở thôn Choản Thèn chia sẻ: Mấy năm trở lại đây, khi lượng khách tới Choản Thèn tăng, đồng bào Hà Nhì trong thôn nhận thấy rõ sự cần thiết của phát triển du lịch để nâng cao thu nhập. Một số hộ đang chỉnh trang nhà ở để đón khách lưu trú. Đặc biệt, bà con trong thôn đã đồng lòng di chuyển đàn trâu, bò nuôi gần nhà ra khu chăn nuôi riêng biệt, thứ 7 hằng tuần, mỗi hộ cử một người tham gia tổng vệ sinh môi trường. Trước đây, một số du khách đến Choản Thèn hay phàn nàn về vệ sinh môi trường thì nay đã rất hài lòng, thích thú chụp ảnh khi đi dạo trong thôn. Nhờ sự cố gắng của bà con, đến nay thôn Choản Thèn đã được công nhận là điểm du lịch của tỉnh.

Ông Ngô Quốc Cường, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý cho biết: Cùng với việc lựa chọn Choản Thèn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu khác trong Nghị quyết của Đảng bộ xã, được cụ thể hóa bằng Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc xã Y Tý giai đoạn 2020 - 2025”. Theo đó, xã sẽ tăng cường quản lý đất đai và quy hoạch; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng. Mục tiêu đến năm 2025, Y Tý thu hút trên 600.000 lượt du khách; số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày/người; chi tiêu bình quân 1 triệu đồng/người/ngày; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết: Để Y Tý trở thành trung tâm du lịch mới của tỉnh, huyện Bát Xát tập trung quy hoạch, quản lý quy hoạch nhằm đảm bảo phát triển bền vững, phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch của vùng đất này. Huyện đề xuất với tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các khu du lịch trong vùng và các điểm du lịch trên địa bàn; chú trọng bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch… Đến nay, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư vào phát triển du lịch Y Tý theo quy hoạch chung đã công bố.

Từ một vùng đất hoang sơ, huyền bí với những truyền thuyết, huyền thoại, được ví như “viên ngọc” của các vị thần, nơi các vị thần lựa chọn để người Hà Nhì định cư, Y Tý đang dần khởi sắc trở thành điểm đến hấp du khách bốn phương. Chắc chắn, với sự quan tâm của tỉnh và huyện Bát Xát, trong tương lai không xa, Y Tý sẽ trở thành trung tâm du lịch mới, “viên ngọc” trên bản đồ du lịch của tỉnh và cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

fb yt zl tw