Bắc Hà miền đất yêu thương

LCĐT - Qua đoạn dốc dồn chân đứng nghỉ, tôi thả lỏng cơ thể hít một hơi sâu căng lồng ngực tận hưởng không khí trong lành xứ núi. Đang sảng khoái thả hồn theo gió mây mơ màng chợt bên khe tiếng hát vọng lên. Tôi lặng lẽ men theo con dốc, cố ghìm nhịp thở như sợ lời ca lẫn vào tiếng chim cư cứ hát gọi mặt trời, như sợ tiếng hát lẫn vào tiếng suối róc rách rủ rê, sợ giai điệu ấy lẫn vào mây vào gió. “Đêm đã qua sao lượn vòng đổi chỗ/Ngày đã rạng lối đi sáng tỏ/Ta lê bước về nhà/Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/Mà hồn như còn bên tà váy em…”. Tiếng cô gái líu ríu nhẹ như chim sơn ca, lẫn vào sương sớm.

Câu hát rủ rỉ làm tôi thổn thức, lơ mơ nhớ về đêm trăng huyền ảo. Tôi mắc nợ từ khi nào câu dân ca “gầu plềnh” (*) em trao, từ khi nào dở dang khúc tình ca em tặng. Hội Gầu tào đã tan, nhớ lời kèn môi em nhắn, lời kèn lá tỏ bày, ngọt như nước suối đầu nguồn, để bây giờ nghe câu hát lòng dạ vấn vương, nỗi niềm chống chếnh, lại rạo rực bàn chân tìm về Bắc Hà yêu thương.

Bắc Hà miền đất yêu thương ảnh 1
Toàn cảnh thị trấn Bắc Hà. Ảnh: Ngọc Bằng

Người ta gọi Bắc Hà là cao nguyên trắng bởi mỗi độ xuân về cả cao nguyên ngợp màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa mận, hoa lê, hoa trẩu cùng bao loài thanh khiết nở bung. Song, tôi lại thích gọi Bắc Hà là miền đất yêu thương, nhung nhớ. Cả năm bốn mùa cao nguyên cứ ngát một màu xanh, thủy chung tình người. Nơi đây phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phong tục, tập quán và sắc màu lễ hội của 14 dân tộc anh em trên cao nguyên này cứ rểnh rang đan cài thêu dệt, đã làm say lòng bao du khách. Bắc Hà có những câu dân ca giao duyên trong lễ hội Gầu tào, những đêm cấp sắc huyền bí của người Dao, những vũ điệu như thần linh nhảy múa trên lửa đỏ kỳ bí trong lễ nhảy lửa… Tất cả làm nên bản sắc văn hóa độc đáo của miền đất cao nguyên, đủ làm say bao trái tim lãng tử, say bao mùa trai gái hẹn hò, say lòng du khách gần xa…

Bắc Hà yêu thương là thế! Tôi đã nhiều lần mê mẩn nghe những câu dân ca nét đẹp truyền thống của người Mông đến ngẩn ngơ, như phải bùa vùng cao này. Còn nhớ một lần ngược núi lời em nói: Đường lên bản mình xa lơ xa lắc, anh có lòng thì năm con dao quăng sẽ đến, chẳng có lòng thì chín mười lần đổi quăng dao không tới được nhà. Còn nhớ lời em dặn: Đường lên núi ngoằn ngoèo gian khó, qua ba suối bảy đèo, anh yêu thật lòng hãy đến, không có thì để gió núi thổi xuôi, nhọc lòng mong đợi!

Tấm lòng núi nói lời chân thật. Người của núi trinh bạch như nắng mặt trời, tinh khiết như sương sớm, kiên gan trong gió rét, mưa sa tuyết phủ, trong nghèo khó. Nhưng người của núi vô tư, hiền hòa, hồn nhiên yêu đời nghèo của, nghèo con, không nghèo tình nghĩa, sống để yêu thương.

Bắc Hà yêu thương là thế! Sớm nay, tôi men theo câu hát vượt dốc cổng trời lên cao nguyên huyền thoại. Nả (**) rót rượu mừng. Nhấp rượu ngô Bản Phố lừng thơm như nạp thêm nguồn năng lượng. Rượu ngô nả nấu, được ủ bằng men hạt cây hồng mi trên nương hướng mặt trời mọc, bằng nước suối đầu bản sớm tinh sương, nấu bằng củi rừng cha lượm. Tôi nhấp ngụm rượu nả nấu thấy nồng ấm như giọt mồ hôi thấm thót trưa hè trên nương mùa thu bắp. Từng giọt rượu nhỏ xuống tong tong nước những đêm nhẫn nhịn à ơi của nả mùa giáp hạt. Nâng bát rượu ngô nả trao, thấy bao nhọc nhằn, rượu tỏa thơm như thứ linh đan, thảo dược quý. Nhấp tiếp ngụm nữa hương thơm dịu dàng cánh mũi, giọt rượu chảy qua vòm họng nồng thơm tinh khiết nghe như cả tiếng sương gió, dòng rượu nóng rần rần đường gân thớ thịt. Nâng thêm bát nữa, rượu tan chảy trong huyết quản, tan chảy vào các tế bào, da thịt lay thức, tôi cảm nhận tiếng lửa réo bập bùng, lửa cười, lửa khóc, lửa vẽ hình bóng nả nhập nhòa. Làn gió vương qua, tôi rùng mình hơi lạnh, bát rượu dốc cạn, nghe có gió rít đêm đông lùa qua phên nứa buốt thấu xương. Nào! Nả rót thêm bát nữa, tôi nghe tiếng sấm rền, chớp giật, đá rơi chát chíu, tiếng mưa đá rầm trời. Bàn tay nả gầy teo như thấy hơi sương tinh mơ buổi sớm chạm vào giá buốt sương đêm.

Mùa lúa chín ở Bản Liền.
Mùa lúa chín ở Bản Liền.

Rượu ngô nả ủ hang đá đủ tháng ngày, tròn vạnh như ủ tình người mong đợi hạnh phúc đủ đầy. Ủ bao nhọc nhằn, đôi tay nả thâu đêm tẽ ngô, hạt vàng, hạt bạc long tong nhảy múa như tẽ đời nắng mưa… Rượu Bản Phố thơm ngon, thơm tình người xứ núi, để “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/Khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Tinh túy trong từng giọt rượu, trong cả nụ cười, ánh mắt người ơi! Tay nâng bát rượu em mời nghĩa tình long lanh đáy bát gửi trao. Nhấp một chén như là ngàn chén, uống từ đầu bản cuối bản thấy thơm, uống ba năm còn nhớ về Bản Phố.

Yêu thương như thế Bắc Hà ơi!

Cứ bảo sao không bồn chồn cho được. Đường vào phố núi mờ sương ẩn hiện, thị trấn nhỏ và mềm mại như bàn tay em thêu thùa thổ cẩm. Hồ Na Cồ long lanh mắt thu, bóng núi Cô Tiên mờ tỏ. Con đường nhỏ uốn lượn vòng thung, theo dãy phố Ngọc Uyển cong cong như nét vẽ vòng eo thiếu nữ tuổi dậy thì. Tôi gặp những người vợ cùng chồng xuống chợ chuyện ríu ran như chim buổi sớm. Những cái tên nghe đỗi thân thương, là Díu, là Sú, là Mẩy, là May… Những con người cần mẫn chăm chỉ lo giữ lửa ấm gia đình. Người Mông dù nghèo khó đến đâu khi xuống chợ vẫn dành bộ váy áo mới để diện. Làm đẹp, là đẹp cho chồng đấy! Váy áo xốn xang, vai mang lù cở, bàn tay nhuộm lanh dệt vải, thêu màu năm tháng. Chồng có gặp bạn bên chảo thắng cố lỡ say khướt cũng là niềm vui và tự hào vì chồng mình có nhiều bạn quý. Chợ tan, ngược núi về bản, lù cở đầy vơi, chồng cầm đuôi ngựa chân bước hàng hai, ngất ngư như đi trên mây, vợ che ô kiên nhẫn, dịu hiền, đường ngựa đã quen. Bóng nắng in vách núi bóng người, bóng ngựa liêu phiêu, liêu phiêu.

Bắc Hà yêu thương là thế!

Nhiều khi chùng bước chân trên đường núi gập ghềnh, tôi vô tư ngả mình vào vạt cỏ tinh khôi. Ngả vào nắng gió Tả Van Chư, Hoàng Thu Phố, Lầu Thí Ngài, Tả Củ Tỷ… hà hít yêu thương. Nếu lỡ bước chân giữa mùa hoa mận sẽ bị mê hoặc của má đào, nói cười níu kéo. Bảng hoảng tựa lạc vào thế giới kèn môi, vào lời ca “gầu plềnh” kéo lôi mùa bắt vợ, tìm chồng. Lạc vào vòng xòe Tà Chải, áo chàm, khăn xanh hoàng yến, thắt đáy lưng ong... để hồn lơ lửng.

Bắc Hà mênh mông là thế, mê man bất tận, tiềm ẩn hữu duyên chín đợi mười chờ. Bắc Hà đang thay da đổi thịt từng ngày, đang nổi lên là một vùng du lịch độc đáo và hấp dẫn. Những ưu thế bản sắc, thiên nhiên và con người về khí hậu đã và đang được khai thác hợp lý mang tính bền vững. Những cánh đồng, cây ăn quả ôn đới, dược liệu được áp dụng công nghệ cao hiệu quả. Tôi vẫn nhớ câu nói của trưởng bản Giàng Seo Sẩu: Trời cho nắng mưa, giá lạnh làm nên mùa vụ, thì cũng làm cho người vùng cao cứng cỏi như cây pơ mu trên núi đá. Người Bắc Hà bản lĩnh kiên cường đang làm đổi thay, khơi mùa no ấm.

* Gầu plềnh - dân ca Mông

** Nả tiếng Mông nghĩa là mẹ

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Xây dựng hình ảnh du lịch từ tài nguyên văn hóa

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều du khách chọn Lào Cai để tham quan, nghỉ dưỡng, bởi cái họ tìm đến không chỉ là không khí trong lành, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, mà còn là trải nghiệm văn hóa, điều mà không resort nào ở nơi khác có thể sao chép được.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng thêm nhiều dư địa để đột phá

Việc hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái không chỉ là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn mở ra một không gian phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Với những tiềm năng, lợi thế được cộng hưởng, sự liên kết sẽ được hình thành, doanh nghiệp kỳ vọng có thêm động lực và cơ hội để vươn tầm.

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Độc đáo vườn nho giữa hồ Thác Bà thu hút du khách

Đến với Hồ Thác Bà (tỉnh Lào Cai), du khách không chỉ được đi trên những con thuyền để ngắm nhìn cảnh đẹp sông nước, thăm các nhà nổi nuôi cá lồng mà giờ đây còn được tận mắt ngắm nhìn, thu hái và thưởng thức những trái nho ngọt ngào.

Chạm vào bản Thái

Chạm vào bản Thái

Không ồn ào, nhưng lại đủ sâu lắng để chạm đến cảm xúc của bất kỳ ai từng một lần ghé qua. Đó là bản Thái - điểm đến giữa lòng xã Mù Cang Chải, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mỗi mái nhà sàn, mỗi triền ruộng bậc thang, mỗi gương mặt người bản địa đều mang hơi thở của núi rừng và nhịp sống riêng biệt. Khi đến, bạn không chỉ ngắm nhìn mà còn được chạm vào một miền văn hóa đang âm thầm tỏa hương.

Tuyên Quang: Tạm dừng đón khách tham quan cụm di tích Nà Nưa

Tuyên Quang: Tạm dừng đón khách tham quan cụm di tích Nà Nưa

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết sẽ tạm dừng đón khách tham quan tại cụm di tích Nà Nưa, thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào kể từ ngày 7/7 để thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đến khi có thông báo mới.

Chuyến đi nhân ái – Du lịch vì cộng đồng

Chuyến đi nhân ái – Du lịch vì cộng đồng

Trong nhịp sống hối hả, những chuyến du lịch không chỉ dừng lại ở việc khám phá cảnh đẹp hay tận hưởng tiện nghi mà còn mang theo giá trị nhân văn sâu sắc. Một trong những hình thức đặc biệt ấy là du lịch tình nguyện - nơi từng bước chân lữ khách in dấu yêu thương, mỗi trải nghiệm gắn liền với sự sẻ chia và lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

Hỗ trợ trồng hơn 35 nghìn cây hoa phát triển du lịch sinh thái

Hỗ trợ trồng hơn 35 nghìn cây hoa phát triển du lịch sinh thái

Vừa qua, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai chương trình hỗ trợ cây giống hoa và tổ chức trồng hoa tại điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô và xã Lùng Phình (trước đây là xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà).

fb yt zl tw