Từ những con đường đất đến đại lộ, cao tốc

LCĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm là một trong những lĩnh vực đột phá. Điều này thể hiện quan điểm xuyên suốt của tỉnh từ ngày tái lập đó là hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Từ những con đường đất đến đại lộ, cao tốc ảnh 1
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

“Đại công trường” giao thông nông thôn

Năm 2020, Nậm Chày (Văn Bàn) là xã cuối cùng của tỉnh có đường rải nhựa đến trung tâm, chặng đường đủ dài để thấy phát triển giao thông nông thôn thực sự gian nan. Gặp chúng tôi trong ngày tuyến đường chính thức hoàn thành, ông Sùng A Dùng, Chủ tịch UBND xã Nậm Chày bảo, bà con chờ tuyến đường này lâu quá rồi, có đường rồi kinh tế sẽ phát triển, đời sống của đồng bào nơi đây sẽ dần khấm khá.

Niềm mong mỏi của người dân Nậm Chày cũng là tâm trạng chung của hàng vạn đồng bào các dân tộc Lào Cai. Thấu hiểu nỗi niềm ấy, từ những ngày đầu tái lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn tập trung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, mở mới đường đến trung tâm các xã, thôn, bản, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn. Từ vùng thấp đến vùng cao trong những năm đầu tái lập là cả một đại công trường, nơi đâu cũng thấy mở đường. Dẫu vậy, với đặc thù là tỉnh vùng cao, địa hình chia cắt, nguồn lực có hạn nên công cuộc mở đường gặp nhiều trở ngại.

Thời điểm năm 1991, toàn tỉnh có 54 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã. 10 năm sau vẫn còn 17 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, các đường đến thôn, bản chủ yếu là đường mòn dân sinh. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã có 101/164 xã có đường tới trung tâm xã được rải nhựa; 800/2.181 thôn, bản có đường liên thôn được rải cấp phối với chiều dài 2.554 km.

Từ năm 2010 đến nay, giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực to lớn trong Nhân dân, các tuyến đường bê tông liên thôn được mở mới len lỏi khắp các thôn, bản. Có đường mới, việc đi lại, giao thương thuận lợi, đời sống người dân được nâng lên, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Ngoài việc xây dựng giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, các tuyến đường giao thông nông thôn vẫn tiếp tục được triển khai. Đến năm 2015, toàn tỉnh có 163/164 xã có đường đến trung tâm được rải nhựa hoặc đổ bê tông; 100% thôn, bản có đường ô tô hoặc xe máy đến thôn, bản.

Trong gian khó, người Lào Cai không chỉ có nỗ lực và khát vọng vươn lên mà còn luôn có những cách làm sáng tạo, điều này càng được thể hiện rõ trong phong trào làm đường giao thông nông thôn. Trong những năm 1996 - 2000, huyện Mường Khương sử dụng tổng hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn cùng người dân, chỉ trong 3 tháng mở được tuyến đường dài 12 km từ Pha Long đi Tả Gia Khâu. Huyện Văn Bàn đã giao khoán cho từng xã, cơ quan, lâm trường trên địa bàn tự sửa được tuyến đường dài 18 km từ huyện lỵ Văn Bàn đi Liêm Phú và mở mới 14 km từ Dương Quỳ đi Nậm Chày. Các địa phương cũng rất sáng tạo trong giải quyết kỹ thuật như người dân mở đường đất, bộ đội và thợ chuyên nghiệp nổ mìn, phá đá, Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt, thép, người dân đóng góp tre, gỗ, nhân công. Nhờ những biện pháp đó mà tuy ít vốn nhưng nhiều công trình phức tạp hoàn thành như cầu Phìn Ngan, cầu Cốc Ly, cầu Liêm Phú, cầu Làng Hẻo…

Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, đến năm 2020 có 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; mạng lưới giao thông nông thôn được nâng cấp và bảo dưỡng hiệu quả, hòa nhập với hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm hạ giá thành vận tải hàng hóa, giúp việc tiêu thụ nông sản được dễ dàng, tăng thu nhập cho người dân. Giao thông nông thôn phát triển mạnh, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu, vùng cao tiếp cận nhanh với nền kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo.

Từ những con đường đất đến đại lộ, cao tốc ảnh 2
Trên công trường Cầu Móng Sến

Đầu tư các công trình giao thông trọng điểm

Dự kiến trong năm 2021, Dự án Cảng Hàng không Sa Pa sẽ khởi công xây dựng. Dự án được tỉnh Lào Cai xin ý kiến Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cơ chế kêu gọi nhà đầu tư tư nhân như mô hình tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn. Tác động của dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đến kinh tế - xã hội của tỉnh trong 30 năm qua thôi thúc lãnh đạo tỉnh quyết tâm hoàn thành dự án này như động lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.

Nói về những dự án giao thông trọng điểm không thể không nhắc đến tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Năm 2014, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào vận hành. Trước đó, không ai hình dung được một ngày nào đó bên bờ hữu sông Hồng sẽ hiện hữu tuyến đường giúp thời gian từ biên giới Lào Cai về Hà Nội chỉ còn chưa đầy 4 giờ. Thời gian được rút ngắn, kéo theo đó là những hàng dài xe container mang biển số khắp mọi miền đất nước về Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đến Lào Cai tìm kiếm cơ hội đầu tư, lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng theo cấp số nhân.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác đã giúp tăng trưởng GDP của Lào Cai đạt 30%. Ngoài ra, do giao thông thuận lợi nên du lịch các tỉnh nằm dọc tuyến đã có sự tăng trưởng đáng kể, lượng khách du lịch có những thời điểm tăng đột biến, cụ thể: Lượng khách du lịch đến Sa Pa tăng gần 2 lần so với trước; tổng doanh thu vận tải và dịch vụ vận tải do địa phương quản lý ngay trong năm đầu tiên đường cao tốc đưa vào vận hành tăng 60% so với năm trước.

Xuyên suốt mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh đều có hình ảnh của những công trình giao thông trọng điểm như điểm nhấn. Giai đoạn 2005 - 2010 là công trình cầu đường bộ qua sông Hồng trên biên giới Việt - Trung (cầu Kim Thành). Công trình được đánh giá là xứng tầm để Lào Cai khẳng định vị thế “cầu nối” của cả nước và vùng ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc rộng lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành, xây dựng, phát triển Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, đáp ứng nhu cầu vận tải giữa 2 nước, góp phần quan trọng trong việc hình thành cầu nối của tuyến đường bộ cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội, phục vụ phát triển hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm là một trong những lĩnh vực đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, hàng loạt dự án lớn đã được khởi công và đẩy nhanh tiến độ như dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai xuống Phố Lu, dự án cầu Móng Sến, cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh… Những công trình này sau khi hoàn thành không chỉ kết nối các đô thị vệ tinh với thành phố Lào Cai, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, mà còn kết nối Lào Cai với các vùng trọng điểm kinh tế của cả nước. Những người Lào Cai hôm nay ai cũng phấn chấn, tự hào bởi sau 30 năm tái lập được sống trong những năm tháng sôi động trên mảnh đất biên cương.                               

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Sớm xóa bỏ chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với thế giới

Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đáng chú ý, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ khẩn trương thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP cần "luồng xanh"

Bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ đắc lực bảo vệ thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn sự chênh lệch rất lớn giữa số lượng đơn đầu vào và đơn đầu ra dẫn đến tình trạng đơn bị chậm xử lý.

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu gạo

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 578 USD/tấn. Trong khi đó, gạo cùng chủng loại của Thái Lan đã giảm sâu trong tuần qua, xuống mức thấp hơn so với Việt Nam, đạt 575 USD/tấn, còn gạo của Pakistan là 587 USD/tấn. Thị trường gạo thế giới vẫn đang tiếp tục ghi nhận nhiều biến động từ cả phía các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu gạo.

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng dệt may xuất khẩu

Mặc dù Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới nhưng ngành dệt may nước ta đang đối diện rất nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho cao, sức cạnh tranh diễn ra ngày càng quyết liệt...

fb yt zl tw