>> Bài 2: Xây dựng chuỗi giá trị: Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp đang ở đâu?
Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn, xã Chiềng Ken (Văn Bàn) thành công phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ dược liệu sẵn có tại địa phương, như đại bi, hương nhu, quýt, màng tang, tía tô… Thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có hơn 30 sản phẩm (tinh dầu đại từ bi, tinh dầu màng tang, tinh dầu sả, bột tía tô, tinh dầu dưỡng da, toner dưỡng da tía tô, cao đại từ bi, nước súc miệng…) được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok… Nhờ đó, sản phẩm của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, thuận lợi cho việc tiêu thụ, trong đó qua kênh thương mại điện tử chiếm khoảng 70% tổng doanh thu của HTX.
Anh An Văn Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn chia sẻ: Để tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử đạt hiệu quả, trước hết cần phải có sản phẩm tốt, mẫu mã, hình ảnh mô tả sản phẩm bắt mắt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; phải có nhân lực am hiểu về công nghệ thông tin để quản lý các gian hàng trên sàn thương mại điện tử, kịp thời tương tác với khách hàng, giải đáp thắc mắc, chốt đơn. Cùng với đó, HTX cũng kết hợp với một số đơn vị, cá nhân trong và ngoài huyện đầu tư nâng cấp mẫu mã bao bì, thực hiện các video, hình ảnh quảng bá sản phẩm để đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, số lượng HTX thích ứng, thành công với các kênh bán hàng online, sàn thương mại điện tử như HTX Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn không nhiều. Đơn cử như HTX Nậm Dù, Xuân Quang (Bảo Thắng) đã đưa sản phẩm mật ong núi đá lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (http://laocaitrade.vn) và một số sàn thương mại điện tử, như Lazada, Postmart... hơn một năm nay, nhưng lượng đơn đặt hàng vẫn còn rất khiêm tốn.
Ông Cao Xuân Chiến, Giám đốc HTX chia sẻ: Lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của đơn vị là mật ong. Vì kinh doanh quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp nên việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai ứng dụng thương mại điện tử của HTX chưa được như mong muốn. Mặt khác, mặt hàng của HTX là thực phẩm thông dụng nên có nhiều đơn vị bày bán trên các gian hàng thương mại nên khó cạnh tranh; HTX cũng chưa mở rộng được hệ thống đại lý nên khó khăn trong việc ship hàng... Do đó, việc bán hàng của HTX vẫn theo hình thức truyền thống (hội chợ, siêu thị, cửa hàng), còn trên sàn thương mại điện tử chủ yếu là báo giá, giới thiệu sản phẩm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều HTX nông nghiệp trong tỉnh đang chung tình trạng như HTX Nậm Dù, Xuân Quang, sản phẩm đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, tuy nhiên việc tiêu thụ qua kênh này còn hạn chế. Nhiều sản phẩm của HTX đã đưa lên sàn thương mại điện tử nhưng số lượng nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được với đông đảo khách hàng.
Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện có 61 gian hàng, với 239 sản phẩm hàng hóa của 56 HTX trên địa bàn tỉnh được đưa lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (http://laocaitrade.vn). Tuy nhiên, Sàn thương mại điện tử tỉnh hiện chưa hoạt động đúng với chức năng của sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp (mới chỉ đăng tải thông tin sản phẩm, chưa kết nối với ngân hàng trong giao dịch thanh toán, chưa liên kết với đơn vị vận chuyển nên không xác định được chi phí giao hàng và thời gian giao hàng, không có sự tương tác, giao dịch bán hàng…).
Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ một số HTX mở tài khoản bán hàng để kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, như Shopee, Sendo, Lazada, Voso, Postmart. Tuy nhiên, các HTX này vẫn giữ thói quen bán hàng truyền thống, nhân lực còn thiếu và yếu kỹ năng marketing trong đăng tải giới thiệu sản phẩm nên chưa tạo được ấn tượng với khách hàng, giá bán cũng không theo kịp với biến động của thị trường, sản lượng tiêu thụ thấp... khiến các HTX ngần ngại khi tham gia các sàn thương mại điện tử.
Theo chia sẻ của nhiều HTX, khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử chính là thiếu nhân lực am hiểu công nghệ thông tin, làm việc toàn thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin sản phẩm, nhất là với các HTX bán lẻ sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin, giá bán khác nhau… Hiện nay, phần lớn thành viên của các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp ở độ tuổi trung niên nên khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; nhiều HTX chưa đầu tư nhân lực có trình độ chuyên môn, am hiểu về thương mại điện tử nên xảy ra tình trạng đưa nông sản lên sàn nhưng việc duy trì các gian hàng và tiếp cận khách hàng chưa hiệu quả.
Ông Hà Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Hiện tại, các HTX đang tập trung sản xuất, cố gắng tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng mà chưa thực sự đầu tư nhân lực để phát triển mảng thương mại điện tử. Trong khi thương mại điện tử lại là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng ngược lại, phần lớn giám đốc HTX ở độ tuổi trung niên, việc cập nhật công nghệ thông tin còn hạn chế.
Để thích ứng với thương mại điện tử, các HTX cần năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, dám đổi mới để có thể tận dụng được lợi ích của thương mại điện tử. Kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán sản phẩm mà cần có sự đầu tư vào giao tiếp khách hàng, thường xuyên kể câu chuyện về sản phẩm sao cho hấp dẫn, đến khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển.
Để hỗ trợ, giúp đỡ các HTX tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử cần tập trung vào các giải pháp. Đó là, hỗ trợ đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực quản lý, vận hành triển khai thực hiện các hoạt động nghiệp vụ thương mại điện tử cho các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các cơ sở, doanh nghiệp, HTX. Trợ giúp các HTX tạo tài khoản, gian hàng, giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như Amazon, Alibaba, Shopee, Lazada, Sendo, Tiki….; hỗ trợ áp dụng các giải pháp công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hiệu quả sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ hàng hóa của tỉnh. Có như vậy, các HTX trong tỉnh mới có cơ hội và chỗ đứng vững chắc trên các sàn thương mại điện tử.