Với sự quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh, việc xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị về nhân lực để chính thức đưa nền tảng cửa khẩu số vào hoạt động đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện. Tuy nhiên, để vận hành “Cửa khẩu số” một cách trơn tru, bài bản và khoa học đúng như kỳ vọng thì cần sự phối hợp, cùng vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành.
Tham gia xây dựng “Cửa khẩu số”, Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng) đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh khảo sát hiện trạng hạ tầng kho bãi, nền tảng công nghệ thông tin và các thủ tục hành chính kiểm soát phương tiện ra, vào cửa khẩu.
Bài 1: Tạo đột phá phục vụ xuất - nhập khẩu
Sau khi khảo sát, đơn vị đã xác định những quy trình cần thực hiện số hóa; lên kế hoạch bố trí vị trí làm việc theo quy trình giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo liên thông, thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đẩy nhanh tốc độ thông quan phương tiện chở hàng hóa xuất - nhập khẩu. Đồng thời, đơn vị đã tham mưu với cơ quan chủ trì đề nghị Bộ Giao thông vận tải chia sẻ dữ liệu về đăng kiểm phương tiện và giấy phép quản lý vận tải quốc tế với Cổng dịch vụ công Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Hiện nay, đề nghị này đã được Trung tâm công nghệ thông tin - Bộ Giao thông vận tải đồng ý. Bộ Giao thông vận tải là đơn vị đầu tiên chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai.
Bà Nguyễn Hải Hồng, Trạm trưởng Trạm Quản lý vận tải Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết: Việc quản lý phương tiện thông quan qua cửa khẩu hiện nay được thực hiện theo Hiệp định, Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trước đây, khi các dữ liệu về đăng kiểm phương tiện và giấy phép quản lý vận tải quốc tế chưa được chia sẻ, chúng tôi mất nhiều thời gian để kiểm tra thông tin người lái và phương tiện. Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan cũng phải khai thông tin trực tiếp tại trụ sở làm việc của đơn vị với nhiều thủ tục. Khi các dữ liệu được chia sẻ trên hệ thống, thời gian được rút ngắn rất nhiều, doanh nghiệp có thể đăng ký phương tiện từ xa, rất thuận tiện. Chúng tôi chỉ cần thực hiện thao tác tiếp nhận và trả kết quả tại chỗ khi phương tiện xuất - nhập cảnh, giảm thiểu được quy trình cũng như thời gian cho doanh nghiệp.
Đối với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, điều tiết, phân luồng phương tiện xuất - nhập cảnh cũng đã chuẩn bị các phương án sẵn sàng tham gia các hoạt động chuyên môn tại Cổng dịch vụ công Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Theo Đại úy Hoàng Minh Du, Quyền Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, khi nền tảng “Cửa khẩu số” đi vào vận hành, thời gian thông quan được rút ngắn, số lượng phương tiện xuất - nhập khẩu hàng hóa có thể sẽ tăng. Trạm đã tham mưu với lãnh đạo đồn có phương án tăng cường nhân lực để điều tiết, phân luồng, kiểm tra thông tin, sau đó cập nhật trên hệ thống chung để thông quan theo đúng quy trình, quy định của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là đơn vị luôn đi đầu trong chuyển đổi số phục vụ hoạt động kiểm soát, thông quan hàng hóa, nên việc thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến vận hành “Cửa khẩu số” không gặp nhiều khó khăn. Thực tế, năm 2008, Cục Hải quan Lào Cai đã triển khai xây dựng mô hình thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai.
Từ năm 2014, Cục Hải quan Lào Cai đã triển khai hệ thống tiếp nhận và trả kết quả điện tử trên hệ thống VNACCS/VCIS cho hàng hóa xuất - nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất - nhập cảnh. Đơn vị cũng triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trả kết quả trên hệ thống điện tử đạt mức độ 4; kết nối cổng thanh toán điện tử với các ngân hàng thương mại; kết nối dữ liệu kiểm tra chuyên ngành đối với các bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia…
Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết: Lực lượng hải quan ở Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, triển khai hải quan điện tử để tạo thuận lợi, giảm thời gian cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa. Toàn bộ hệ thống, thiết bị, phương tiện tại chi cục đều được trang bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tốt việc kết nối và truyền dữ liệu chuyên ngành.
Khi tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện nền tảng“Cửa khẩu số”, đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, các cơ quan chuyên môn sẽ làm việc tại một khu vực và dùng chung một hệ thống phần mềm quản lý.
“Về dữ liệu hải quan, chúng tôi đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Tổng cục Hải quan để đề xuất phương án kết nối, chia sẻ các dữ liệu công khai (dự kiến hải quan sẽ có 13 trường dữ liệu được kết nối). Khi các dữ liệu này được chia sẻ, doanh nghiệp làm thủ tục sẽ không cần kê khai nhiều lần các thông tin chung, giảm được thủ tục hành chính cũng như thời gian thông quan hàng hóa” - ông Phúc cho biết thêm.
Nền tảng “Cửa khẩu số”, trong đó gồm Cổng dịch vụ công Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai dự kiến đi vào hoạt động thử nghiệm trong tháng 6. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và VNPT Lào Cai đang lắp đặt máy móc và hoàn thiện kết nối các trường và ứng dụng của phần mềm dùng chung… Các cơ quan có liên quan đang gấp rút thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực mình quản lý, đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị về nhân lực, để “Cửa khẩu số” vận hành trơn tru.
Nền tảng “Cửa khẩu số” đưa vào vận hành được kỳ vọng là một giải pháp công nghệ mang tính đột phá trong công tác quản lý hoạt động xuất - nhập khẩu và xuất - nhập cảnh tại các cửa khẩu ở Lào Cai nói riêng và chuyển đổi số tại Lào Cai nói chung. Việc phát triển nền tảng “Cửa khẩu số” sẽ góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế cửa khẩu; nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.