Hướng tới nền tảng cửa khẩu số

LCĐT - Xây dựng nền tảng cửa khẩu số là xu hướng tất yếu nhằm số hóa quy trình xuất - nhập khẩu, thực hiện quy trình một cửa liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Là cửa ngõ quan trọng, điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước ASEAN qua cảng biển Việt Nam tới các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc, Cửa khẩu quốc tế Lào Cai giữ vai trò đầu mối tin cậy, thúc đẩy hợp tác kinh tế, du lịch, thương mại và công nghiệp giữa các địa phương tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế vị trí, đặc biệt là thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa với thị trường đầy tiềm năng này.

Hơn 2 năm qua, hoạt động xuất - nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Năm 2021, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng giá trị xuất - nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu chỉ đạt hơn 1,6 tỷ USD, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động thông quan hàng hóa vẫn chưa khôi phục như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Bên cạnh những ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành vẫn còn nhiều hạn chế. Theo rà soát của cơ quan chuyên môn, hiện các phương tiện phải thực hiện 17 công đoạn trực tiếp để giải quyết các thủ tục xuất khẩu và 15 công đoạn trực tiếp để giải quyết thủ tục nhập khẩu gây mất thời gian, chi phí cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa, đồng thời chưa thể hiện hết tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục xuất - nhập khẩu của lực lượng chức năng.

Tham gia vào quá trình chuyển đổi số, các lực lượng chức năng, các doanh nghiệp bến bãi tại cửa khẩu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tác nghiệp tại cửa khẩu. Trong đó, lực lượng hải quan sử dụng phần mềm của Tổng cục Hải quan (VNACCS/VCIS); lực lượng bộ đội biên phòng sử dụng phần mềm quản lý xuất - nhập cảnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; kiểm dịch thực vật sử dụng phần mềm của Cục Bảo vệ thực vật; kiểm dịch động vật đang được thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia… Tuy nhiên, các hệ thống này thường hoạt động độc lập, không có sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung với nhau. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu phải qua nhiều “điểm chạm” để làm thủ tục và khai báo thủ công. Các doanh nghiệp vẫn phải luân chuyển các giấy tờ đã được các lực lượng chức năng xác nhận trước đó để làm các thủ tục tiếp theo. Ðây là hạn chế lớn nhất gây ảnh hưởng tốc độ thông quan hàng hóa, phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động tại cửa khẩu.

Trước những bất cập trên, để đáp ứng nhu cầu công việc, tạo đột phá trong hoạt động xuất - nhập khẩu, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai xây dựng thí điểm Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xuất - nhập khẩu; công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu; hình thành cơ chế một điểm dừng (One Stop), đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong hoạt động xuất - nhập khẩu, góp phần đảm bảo đến năm 2025 kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt hơn 10 tỷ USD.

Trên cơ sở kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đã bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ, phần việc của mình để đưa Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đến nay, công tác khảo sát hiện trạng, hạ tầng mạng lưới viễn thông tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã được các ngành chức năng hoàn thành. Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu kinh tế, biên phòng, hải quan, kiểm dịch và các cơ quan liên quan đã có được sự thống nhất phương án, quy trình xây dựng cửa khẩu số.

Hiện nay, Ban Quản lý Khu kinh tế đang phối hợp với VNPT Lào Cai xây dựng phần mềm tích hợp nhiều thủ tục hành chính tại Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhằm rút ngắn quy trình (chỉ còn 4 - 5 điểm chạm)… để sớm đưa vào vận hành thí điểm, giúp giảm chi phí, thời gian cho các doanh nghiệp. Các đơn vị liên quan đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn hóa, số hóa quy trình, thủ tục để phục vụ tích hợp lên Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Đồng thời, tích hợp triển khai thi công mặt bằng bãi kiểm tra, làm thủ tục hàng xuất khẩu (KB2), mua sắm thiết bị cần thiết, bố trí nguồn nhân lực để vận hành Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết: Cơ quan hải quan đã xây dựng, số hóa các quy trình, khớp nối với đơn vị cung cấp phần mềm để thống nhất các bước, thủ tục. Trong khi chờ VNPT Lào Cai hoàn thiện phần mềm, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn nhân lực; cán bộ, công chức làm việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đảm bảo khi quy trình cửa khẩu số đưa vào áp dụng thì tất cả các khâu sẽ hoạt động hiệu quả để phục vụ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa.

Trong khi đó, lực lượng biên phòng đã xây dựng toàn bộ quy trình, nội dung các thông tư, nghị định, giấy tờ, thủ tục cần thiết và các quy định về xuất - nhập cảnh… để tích hợp vào Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai, đồng thời lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ để tham gia hướng dẫn, phục vụ người dân và doanh nghiệp khi thí điểm và chính thức vận hành Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Thường xuyên tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, các doanh nghiệp rất kỳ vọng, ủng hộ chủ trương xây dựng Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai tạo thuận lợi cho quá trình giải quyết thủ tục, thông quan hàng hóa.

Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu và Thương mại Vạn Phúc cho rằng: Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai được vận hành sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa… là điều mà doanh nghiệp mong chờ ở việc xây dựng cửa khẩu số.

Tham gia hoạt động xuất khẩu hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành được 4 năm, ông Trần Văn Lập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất - nhập khẩu Hoàng Anh rất phấn khởi và ủng hộ chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu của tỉnh Lào Cai. “Khi Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai được áp dụng thì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký, kê khai đầy đủ, hoàn chỉnh ở trên hệ thống, mọi thông tin về phương tiện và hàng hóa được cập nhật đầy đủ. Như vậy sẽ rất thuận tiện cho doanh nghiệp, nhất là tiết kiệm thời gian chờ giải quyết thủ tục, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa, phương tiện qua cửa khẩu”, ông Lập chia sẻ.

Việc xây dựng Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai hướng tới nền tảng cửa khẩu quốc tế số là chủ trương đúng, cần thiết của tỉnh Lào Cai được doanh nghiệp ủng hộ, kỳ vọng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất - nhập khẩu cũng như tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp. Do vậy, các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh triển khai các phần việc, sớm đưa Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai vào vận hành, tạo đột phá trong công tác chuyển đổi số, thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần kết nối tốc độ cao để trải nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Người dùng cần kết nối tốc độ cao để trải nghiệm các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Theo báo cáo mới nhất của ConsumerLab từ Ericsson, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu để có kết nối vượt trội, ổn định, tốc độ cao khi trải nghiệm.

Xử lý dứt điểm “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06

Xử lý dứt điểm “điểm nghẽn” trong cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06

Chiều 14/11, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 quý III/2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên: Thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng hành cùng trách

Nâng cao năng lực kinh doanh số cho thanh niên: Thúc đẩy phát triển kinh tế số, đồng hành cùng trách

Chương trình “Thúc đẩy phát triển kinh tế số - Đồng hành cùng trách nhiệm xã hội” với mục tiêu chính nhằm nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam vừa được khởi động với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội số hóa mới cho người trẻ để có thể nắm bắt và phát triển hiệu quả.

Để “không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Để “không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Trong làn sóng phát triển của công nghệ, xã hội đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng có về cách thức kết nối, học hỏi và làm việc. Tuy nhiên, trong hành trình dài, có người đã tiến rất nhanh, vẫn có người đang ở bước khởi đầu. Vì lẽ đó, câu hỏi đặt ra: Ai đang bị bỏ lại phía sau khi thế giới tiến vào kỷ nguyên số?

Chuyển đổi số ngành Logistics: Cơ hội và thử thách cho doanh nghiệp Việt

Chuyển đổi số ngành Logistics: Cơ hội và thử thách cho doanh nghiệp Việt

Thương mại điện tử cùng với sự phát triển của công nghệ số đang đem lại không ít cơ hội và thách thức đối với ngành logistics. Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia và xu hướng của nền kinh tế số, các doanh nghiệp logistics Việt đang đứng trước những ngã rẽ, lựa chọn quan trọng để có thể vươn mình, bứt tốc.

fbytzltw