Thủy điện Phúc Long phớt lờ nỗi lo của người dân?

Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài

LCĐT - Thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước việc thủy điện Phúc Long tích nước phát điện khiến hàng trăm hộ dân bị lún, nứt nhà cửa, hư hỏng công trình xây dựng khác. Tuy nhiên, chủ đầu tư thủy điện chậm vào cuộc giải quyết.

Theo phản ánh của người dân 6 xã của huyện Bảo Yên nằm ven 2 bờ sông Chảy, từ khi thủy điện Phúc Long dâng nước phát điện, không chỉ bờ sông sụt lún gây hư hỏng công trình phụ, vật kiến trúc, chuồng trại chăn nuôi, mà nguy hiểm hơn là nhà của nhiều hộ cũng bị lún, nứt dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Thời gian đầu, sự ảnh hưởng chỉ diễn ra đối với những hộ ở trong ranh (những hộ nằm trong phạm vi đánh giá tác động môi trường trước khi đơn vị thi công dự án). Càng về sau, tình trạng càng mở rộng tới nhiều hộ nằm ngoài ranh. Nước ngập ruộng, vườn không thể canh tác và nước dâng cao làm nứt nhà đặt nhiều hộ trước nỗi lo nhà có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là đang trong tâm điểm mùa mưa lũ.

 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 1
Từ khi thủy điện Phúc Long tích nước làm cho hàng trăm hộ dân bị lún, nứt nhà.

Ngôi nhà cột gỗ trát tooc-xi của gia đình ông Lý Xuân Lạc ở thôn Đầm Rụng, xã Phúc Khánh đang bị sụt lún ra phía bờ sông Chảy làm nứt tường, nứt mộng. Toàn bộ công trình phụ đã bị cuốn xuống lòng sông. Mặc dù phía sau bờ sông đã được thủy điện Phúc Long gia cố bằng rọ đá nhưng tình trạng sạt lở đất và lún, nứt nhà dân vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Chỉ tay lên mái nhà, nơi vì kèo như chỉ chực rời khỏi cột, ông Lạc lo lắng vì không biết nhà sẽ đổ lúc nào, gia đình cũng đành bất lực.

“Gia đình tôi mới nhận được hơn 2 triệu đồng hỗ trợ thiệt hại một số cây cối. Bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng nuôi lợn, gà vẫn chưa được hỗ trợ thiệt hại. Tôi đã làm đơn lên xã và thủy điện Phúc Long xem xét đền bù nhưng chưa thấy động tĩnh gì”, ông Lạc nói.

Tương tự, ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Công Minh (tổ dân phố 2A, thị trấn Phố Ràng) xuất hiện những vết nứt tại khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh từ vài tháng nay. Đặc biệt, vết nứt giữa khu vực bếp và nhà rộng cả chục xen-ti-mét đã được ông Minh dùng xi măng vá kín. Tuy nhiên, ông vẫn lo lắng vì việc dùng xi măng vá vết nứt chỉ có tác dụng làm đẹp phần nền bếp, còn nguy hiểm vẫn tồn tại âm ỉ dưới lòng đất.

 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 2
 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 3
Ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Phạm Văn Tú, tổ dân phố 2A, thị trấn Phố Ràng bị lún về phía sau làm nghiêng tường.

Ngay sát cạnh nhà ông Minh, ngôi nhà xây kiên cố 2 tầng của gia đình ông Phạm Văn Tú cũng xuất hiện nhiều vết nứt cổ trần. Tổng thể ngôi nhà đã lún về phía sau, nghiêng khoảng 10 cm. “Không biết ngôi nhà sẽ tiếp tục lún về phía sau đến bao giờ và gây ra nguy cơ mất an toàn như thế nào?”, ông Tú nói.

Theo phản ánh của ông Minh và ông Tú, khu vực tổ dân phố 2A, thị trấn Phố Ràng nằm trong khu vực tích nước của thủy điện Phúc Long, hầu như bị ảnh hưởng lớn về đất ở phía sau, nhà và nhiều công trình phụ bị nghiêng, nứt. “Chúng tôi đã kiến nghị đến cơ quan chức năng của huyện đôn đốc, nhất là phía thủy điện Phúc Long nhanh chóng xem xét trách nhiệm nhưng tất cả đến nay vẫn chìm trong im lặng”, ông Nguyễn Công Minh bức xúc.

Theo báo cáo kiểm tra, giải quyết ảnh hưởng sau khi Nhà máy Thủy điện Phúc Long đi vào hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Yên tháng 7/2021, trong ranh giới giải phóng mặt bằng đã thống kê, kiểm đếm 593 hộ và 1 tổ chức, trong đó, đã phê duyệt 371 hộ và 1 tổ chức; thu hồi gần 47 ha với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng đã phê duyệt gần 36 tỷ đồng. Đơn vị đầu tư đã chi trả hơn 34 tỷ đồng, còn hơn 1,5 tỷ đồng liên quan đến 24 hộ chưa chi trả do các hộ chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 4
Nước sông Chảy dâng cao làm ngập nhiều cây cối, hoa màu và đe dọa đến sự an toàn của nhiều nhà dân sinh sống hai bên.

Điều đáng quan tâm là sau khi thủy điện tích nước phát điện được 3 tháng (đến tháng 9/2021) thì tiếp tục có thêm nhiều hộ khác nằm ngoài ranh giới giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng về nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc. Trước tình hình trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Yên đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long kiểm tra, rà soát các hộ bị ảnh hưởng. Cụ thể, có 199 hộ bị ảnh hưởng nằm ngoài ranh, trong đó thị trấn Phố Ràng có 99 hộ, xã Xuân Thượng 43 hộ, xã Phúc Khánh 39 hộ, xã Lương Sơn 18 hộ; có 109 hộ bị nứt, lún nhà ở và công trình phụ. Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng tỉnh đã xuống hiện trường 109 hộ kiểm tra, đo đạc, lên dự toán để Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long có căn cứ hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng ở ngoài ranh giới. Tuy nhiên, đến ngày cuối tháng 8 năm 2022, công ty mới chi trả cho hơn 40 hộ, còn gần 60 hộ chưa nhận tiền (các hộ chưa nhận tiền vì cho rằng việc thống kê và áp giá chưa hợp lý - PV).

Bên cạnh đó, có 90 hộ bị ảnh hưởng đất đai, hoa màu trên đất đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và đại diện phía thủy điện kiểm tra, thống kê tài sản, hoa màu, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra được mức áp giá cụ thể.

Trong khi những ảnh hưởng cũ của người dân kể cả trong ranh và ngoài ranh chưa giải quyết xong thì mùa mưa bão năm 2022 tiếp tục phát sinh 158 hộ bị ảnh hưởng mới, chủ yếu liên quan đến lún, nứt nhà và các công trình phụ. Với mức độ sụt lún diễn ra như hiện nay, chắc chắn số hộ bị ảnh hưởng chưa dừng lại. Trước tình trạng sạt lở diễn ra phức tạp, Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long lại chưa chủ động rà soát, kê khai nhà ở, tài sản, vật kiến trúc của người dân bị ảnh hưởng để có phương án khắc phục, đền bù, hỗ trợ, khiến người dân bức xúc và có nhiều kiến nghị lên HĐND tỉnh và huyện Bảo Yên.

 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 5
 Bài 1: Nhà cửa lún, nứt - xử lý kéo dài ảnh 6
Đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long trả lời chất vấn đại biểu HĐND huyện Bảo Yên về vấn đề liên quan.

Được biết, trước kiến nghị của người dân, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn công tác của HĐND tỉnh và huyện Bảo Yên đã đến giám sát, đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long phối hợp với UBND huyện Bảo Yên khẩn trương rà soát, thống kê và thực hiện phương án hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên vào cuối tháng 7 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, HĐND huyện Bảo Yên đã yêu cầu đại diện công ty đứng ra giải trình, trả lời các ý kiến chất vấn của cử tri 6 xã bị ảnh hưởng bởi thủy điện Phúc Long, nhưng điều người dân nhận được cũng chỉ là những lời hứa.

Câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng sạt lở ảnh hưởng đến nhiều hộ nhưng Công ty Cổ phần Thủy điện Phúc Long lại “bình chân như vại” hết lần này đến lần khác, viện đủ lý do để không phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện Bảo Yên thống kê, có phương án giải quyết thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân?

Ngày 7/9 vừa qua, trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Yên thông tin, từ đầu tháng 8 đến nay, tiếp tục có hàng trăm hộ bị ảnh hưởng. Trong khi chờ đợi trách nhiệm của chủ đầu tư trước những thiệt hại do thủy điện gây ra, các hộ dân trong vùng ảnh hưởng lo lắng không biết bao giờ tình trạng lún, nứt nhà cửa mới được khắc phục, giải quyết!?

>>>Bài cuối: Cần “liều thuốc mạnh” chữa bệnh chây ỳ

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lên phương án thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Lên phương án thanh tra, kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra cho tất cả các khâu: Chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo. Đồng thời, thanh tra Bộ, thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trực trong suốt kỳ thi và có phương án sẵn sàng lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất. 

Báo động tình trạng nhập viện do thuốc lá mới

Báo động tình trạng nhập viện do thuốc lá mới

Đó là lời cảnh báo được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin về thuốc lá mới sáng ngày 3/5.

Chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh phù hợp

Chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh phù hợp

Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng như những năm gần đây. Điều này tạo tâm lý ổn định và vững tâm cho học sinh. Tuy nhiên, học sinh cần nắm vững quy chế, quy trình tuyển sinh để tránh xảy ra sai sót và lựa chọn ngành nghề đăng ký xét tuyển phù hợp.

Ổn định đời sống người dân vùng sắp xếp dân cư

Ổn định đời sống người dân vùng sắp xếp dân cư

Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả chương trình bố trí ổn định dân cư tại vùng thiên tai, nguy hiểm, biên giới đã giúp Lào Cai nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Trong những năm qua, lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản không ngừng gia tăng. Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào quốc gia này. Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua.

Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5): Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Lực lượng lao động của Lào Cai hiện nay là hơn 488 nghìn người, đây được coi là thời kỳ dân số “vàng” khi người lao động chiếm 62,1% dân số toàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh sẽ có khoảng hơn 8 nghìn lao động mới, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác lao động - việc làm.

fb yt zl tw